I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Nhằm tạo điều kiện cho những người ứng cử gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri để báo cáo với cử tri dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu HĐND xã khóa XXI, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
2. Tạo điều kiện để cử tri tiếp xúc với người ứng cử, hiểu rõ hơn người ứng cử; trên cơ sở đó cân nhắc, lựa chọn bầu những người đủ tiêu chuẩn làm đại biểu HĐND xã khóa XXI, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
3. Việc vận động bầu cử được tiến hành dân chủ, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Không được lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái với Hiến pháp và pháp luật hoặc làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp khác của tổ chức, cá nhân khác.
4. Không được lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong nước và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân mình. Không được sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri.
II. HÌNH THỨC, NỘI DUNG
1. Thành phần dự hội nghị:
- Mời đại diện Thường trực Đảng ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, Ủy ban bầu cử xã.
- Những người ứng cử Đại biểu HĐND xã khóa XXI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 được phân bổ về ứng cử tại các tổ bầu cử đại biểu HĐND xã.
- Đại diện Ban Thường trực Ủy ban MTTQ xã.
- Cử tri tại các thôn gồm: các tổ chức chính trị - xã hội, lãnh đạo các thôn, khu dân cư và cử tri là người cư trú trên địa bàn (mỗi điểm tiếp xúc phấn đấu có từ 70 cử tri trở lên). Ngoài số cử tri được mời cần thông báo trên hệ thống đài truyền thanh của xã, để nhân dân trong xã nắm được và đến tham dự.
2. Chương trình nội dung hội nghị:
- Chủ trì hội nghị: Ban Thường trực Ủy ban MTTQ xã phối hợp với UBND xã và Ban công tác mặt trận các thôn phối hợp thực hiện.
- Nội dung hội nghị:
+ Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu, thông qua chương trình hội nghị;
+ Cử thư ký hội nghị;
+ Giới thiệu và đọc tiểu sử tóm tắt của từng người ứng cử;
+ Từng người ứng cử báo cáo với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu HĐND xã khóa XXI, nhiệm kỳ 2021 - 2026;
+ Cử tri nêu ý kiến, đề đạt nguyện vọng của mình với những người ứng cử. Người ứng cử và cử tri trao đổi dân chủ, thẳng thắn và cởi mở những vấn đề cùng quan tâm;
+ Đại diện những người ứng cử phát biểu cảm ơn;
+ Chủ trì hội nghị phát biểu kết thúc hội nghị.
3. Thời gian và số hội nghị tiếp xúc cử tri:
- Thời gian vận động bầu cử được bắt đầu từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử và kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ.
- Mỗi thôn, bố trí 01 điểm tổ chức hội nghị với thời gian, địa điểm cụ thể (có lịch sau).
4. Công tác chuẩn bị và trang trí, khánh tiết:
- Chuẩn bị chu đáo về địa điểm và đảm bảo các điều kiện cần thiết cho hội nghị, bố trí chỗ ngồi của các ứng cử viên phía trên hội trường.
- Trang trí: Trên phông chính có cờ Tổ quốc, tượng (hoặc ảnh) Bác Hồ và có tít chữ:
“Hội nghị tiếp xúc giữa những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân xã khoá XXI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 với cử tri thôn .... ”
5. Chương trình hành động của người ứng cử:
Người ứng cử chủ động xây dựng dự kiến chương trình hành động của mình để trình bày trước cử tri. Dự kiến chương trình hành động nên tập trung vào các nội dung:
- Giới thiệu khái quát về bản thân và cơ quan, tổ chức, đơn vị mà mình đang công tác, làm việc (Ngắn, gọn).
- Căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội của xã và của thôn nơi ứng cử; căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người ứng cử đang công tác hoặc làm việc; căn cứ vào tiêu chuẩn và trách nhiệm của người đại biểu HĐND, người ứng cử dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu HĐND xã khoá XXI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để hoàn thành trách nhiệm của người đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong HĐND.
Lưu ý: Đề nghị các ứng cử viên đại biểu HĐND xã chuẩn bị chương trình hành động bằng văn bản. Thời gian dành cho mỗi ứng cử viên trình bày chương trình hành động của mình tối đa 10 phút.
* Về hướng dẫn Một số nội dung về xây dựng Chương trình hành động của ứng cử viên đại biểu HĐND xã nhiệm kỳ 2021 - 2026 trong các hội nghị vận động bầu cử
I. BỐ CỤC, NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG
1. Phần mở đầu:
Giới thiệu ngắn gọn về bản thân, gia đình; nghề nghiệp, vị trí, chức danh chuyên môn hiện nay của bản thân.
Thể hiện hiểu biết về trách nhiệm của một đại biểu HDND và mong muốn trở thành đại biểu HĐND.
2. Phần nội dung:
Một vài nét nổi bật về kinh tế, chính trị, xã hội của địa phương, lĩnh vực chuyên môn của ứng cử viên;
Hứa hẹn những việc mà mình có thể làm được và phản ánh trung thực nguyện vọng của cử tri, cũng như đề xuất đề xuất với cơ quan có thẩm quyền giải quyết khi trúng cử đại biểu HĐND (Lưu ý: không hứa những nội dung, những điều mà ứng cử viên không thể làm được).
Thể hiện hiểu biết những vấn đề quan trọng mà cử tri đang quan tâm, mong muốn và đề xuất; đưa ra một số giải pháp mà khả năng mình có thể tham gia thực hiện, giải quyết các vấn đề bức xúc của cử tri đặt ra.
3. Phần kết luận:
Nêu lên tình cảm và trách nhiệm của bản thân với cử tri;
Bày tỏ mong muốn được cử tri ủng hộ;
Cảm ơn cử tri đã lắng nghe và các cơ quan liên quan đã tổ chức cuộc gặp gỡ tiếp xúc với cử tri.
Chương trình hành động của mỗi đại biểu không dài quá 3 trang (khổ giấy A4), trình bày trong thời gian từ 7 – 10 phút.
II. KỸ NĂNG TRÌNH BÀY CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG
Các ứng cử viên chủ động rèn luyện kỹ năng trình bày Chương trình hành động của mình trong khoảng thời gian cho phép của hội nghị. Các ứng cử viên có thể lưu ý, tham khảo một số nội dung sau:
1. Tìm hiểu người nghe (cử tri nơi tiếp xúc) bao gồm: Đại diện cử tri; Lãnh đạo đại diện các tổ chức, Thành phần xã hội như (nam, nữ, trẻ, già, doanh nhân, trí thức…); Các đại biểu trông cậy gì vào ứng cử viên; đặc điểm tình hình những vấn đề nổi cộm ở địa phương? Tâm tư nguyện vọng, các vụ việc mà đại biểu, cử tri đang quan tâm?...
2. Xây dựng Chương trình hành động có kết cấu logic chặt chẽ: Giúp người nghe dễ dàng nắm vững những thông điệp mà đại biểu muốn tuyên truyền, nên nhấn mạnh vào những điểm chính của chương trình.
3. Tìm hiểu một số vấn đề liên quan đến buổi tiếp xúc: Thời gian, địa điểm, thứ tự được trình bày Chương trình hành động; các điều kiện về hội trường, phương tiện hỗ trợ, vị trí diễn thuyết…
4. Rèn luyện một số kỹ năng, kỹ thuật trình bày:
Kỹ năng tạo ấn tượng, thiện cảm ban đầu;
Sự tự tin, rèn kỹ năng sử dụng ngôn ngữ, giọng nói, tương tác giao lưu với đối tượng; phương pháp mở đầu, kết thúc bài thuyết trình…