Hiện nay, dịch Covid-19 đã “hạ nhiệt”, số người nhiễm bệnh giảm sâu. Điều đó cho thấy hiệu quả của việc tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. Tuy nhiên, thực tế này đang dẫn đến tình trạng một số người dân chủ quan, xem thường việc tiêm vắc-xin mũi 3 và tỏ ra không mặn mà với việc tiêm vắc-xin mũi 4. Dịch chưa phải đã chấm dứt hoàn toàn, các biến chủng của virus SARS-CoV-2 vẫn đang biến đổi khó lường, người dân nên tiếp tục tiêm vắc-xin để không mất cơ hội được bảo vệ liên tục.
Giống như nhiều loại vắc-xin khác, những người đã tiêm vắc-xin phòng COVID-19 đầy đủ và đúng hạn sẽ được bảo vệ tốt nhất. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của biến thể Omicron và sự giảm dần khả năng bảo vệ sau tiêm vắc-xin theo thời gian (đặc biệt là đối với một số nhóm đối tượng nguy cơ). Do đó, nhằm tăng cường miễn dịch phòng bệnh COVID-19 cho những người đã được tiêm chủng, Bộ Y tế đã chỉ đạo về việc tiêm vắc-xin phòng COVID-19 nhắc lại lần 2 (mũi 4) cho người dân.
Trong thời gian qua, vắc-xin phòng COVID-19 đã cho thấy hiệu quả về bảo vệ mọi người trong việc giảm khả năng bệnh nặng, tránh nhập viện, thậm chí là ngăn ngừa tử vong do COVID-19, đặc biệt ở những người đã tiêm mũi nhắc lại. Cho nên, vắc-xin mũi 4 vẫn là “lá chắn” cần thiết.
Hiện nay, có tình trạng một số người dân có tâm lý không muốn tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 vì e ngại tình trạng tác dụng phụ của vắc-xin ảnh hưởng đến sức khỏe như: gây ra tình trạng rụng tóc, giảm trí nhớ, giảm khả năng sinh sản… tuy nhiên đây là những thông tin không có căn cứ. Các nghiên cứu đều cho thấy vắc-xin không ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản và cũng không ghi nhận các tác dụng phụ về tình trạng rụng tóc, giảm trí nhớ. Do đó, người dân không nên tin theo những lời truyền miệng không căn cứ để rồi mất cơ hội được bảo vệ liên tục, khi từ chối tiêm vắc-xin mũi 3 và 4.
Đối với những gia đình có con em từ 5 đến dưới 12 tuổi, phụ huynh nên quan tâm, đưa con em mình đi tiêm vắc-xin Covid-19 theo thông báo của Trạm y tế xã. Theo báo cáo tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trong đợt dịch vừa qua đã ghi nhận hàng trăm trường hợp trẻ mắc hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C) với các biểu hiện viêm đồng thời ở nhiều cơ quan như tim, phổi, thận, hệ tiêu hóa, não, da, mắt... sau nhiễm virus SARS-CoV-2. Ngoài ra, trẻ cũng có thể gặp phải các dấu hiệu bất thường kéo dài về sức khỏe như mệt mỏi, đau đầu, rối loạn giấc ngủ, mất tập trung, đau cơ... ảnh hưởng khả năng học tập và vui chơi của trẻ.
Để giảm tỷ lệ mắc bệnh và biến chứng của Covid-19 là góp phần tạo nên một thế hệ lao động đủ sức khỏe về thể chất và tinh thần. Thì việc tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em có ý nghĩa quan trọng, giúp bảo vệ sức khỏe cho trẻ em trước bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang có nguy cơ tiềm ẩn, lây lan.
Tiêm vắc-xin giúp trẻ tránh mắc bệnh, đến trường an toàn, tham gia các hoạt động xã hội. Đồng thời, tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em nhằm tăng diện bao phủ vắc-xin phòng Covid-19 trong cộng đồng, giảm lây lan cho những người chung quanh, góp phần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo để bảo vệ trẻ, cha mẹ nên đồng ý cho các cháu tiêm. Nếu không được tiêm, trẻ sẽ là đối tượng dễ nhiễm bệnh nhất. Các cháu được tiêm thì cộng đồng tại trường học, trong xã hội sẽ an toàn hơn nhiều.
Bên cạnh việc tiêm vắc-xin, mỗi người dân hãy tiếp tục nâng cao ý thức tuân thủ 5K, đặc biệt quan trọng là đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, nơi có nhiều người. Mỗi chúng ta hãy tự phòng bệnh cho mình, cho gia đình bằng những kiến thức hiểu biết, bằng những việc làm cụ thể, đặc biệt không được chủ quan lơ là trong công tác phòng, chống dịch, người dân hãy cùng các cấp đảng ủy, chính quyền bảo vệ thành quả đạt được trong phòng, chống dịch Covid-19 để cuộc sống của nhân dân luôn được bình yên./.