Ngày 16/9/2021, Diễn đàn Quốc tế Chuyển đổi số Nông nghiệp Việt Nam 2021 chính thức diễn ra bao gồm hai phiên chuyên đề và một phiên toàn thể.

Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng cùng đại diện các sở, ngành của tỉnh tham dự tại điểm cầu Hải Dương
Tham dự phiên toàn thể có sự tham gia của ông Bùi Thanh Sơn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Ngoại giao; ông Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hải Dương; ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam.
Cùng lãnh đạo và đại diện của 63 tỉnh/thành trên cả nước; đại diện Bộ/ngành trung ương và các chuyên gia trong nước.
Về phía quốc tế là các vị Đại sứ; Tổng Lãnh sự; đại diện Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự quán nước ngoài tại Việt Nam; lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp thành viên và các chuyên gia quốc tế từ nhiều quốc gia và vũng lãnh thổ.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu khai mạc tại diễn đàn chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam 2021
Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá, diễn đàn có hơn 3.000 đại biểu đến từ hơn 35 quốc gia trên thế giới, trong đó có sự tham gia của các Bộ ngành, các cơ quan Nhà nước... Thành phần đa dạng của các đại biểu cũng là tín hiệu tích cực cho thấy ngành nông nghiệp Việt Nam đang là mối quan tâm hàng đầu của nhiều Bộ, ngành và nhiều quốc gia.
Theo Bộ trưởng Ngoại giao, Chính phủ Việt Nam đã sớm xác định tầm quan trọng của ngành nông nghiệp và coi đây là cơ hội bứt phá của nền kinh tế Việt Nam. Một trong những định hướng phát triển của đất nước giai đoạn 2021-2030 là phát triển nông nghiệp trên nền tảng chuyển đổi số, gắn kết hài hòa hiệu quả thị trường trong nước và quốc tế. Để đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, chúng ta phải chuyển đổi số thành công, trong đó nông nghiệp là lĩnh vực được ưu tiên trong chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Nông nghiệp còn là cơ sở giúp bảo đảm hệ thống chính trị và bảo đảm môi trường sinh thái tự nhiên. Trong những năm qua, nông nghiệp Việt Nam đã trở thành ngành sản xuất chủ lực của đất nước. Tuy nhiên, trong thời gian tới, với yêu cầu của thị trường ngày càng cao, nông nghiệp Việt Nam phải có khả năng thích ứng và sức cạnh tranh cao. Đại dịch Covid-19 cũng đã chứng minh việc đưa công nghệ thông minh vào nông nghiệp giúp bảo đảm sự ổn định, thông suốt, đồng thời giúp phát triển kinh tế sau đại dịch.
Diễn đàn nông nghiệp hôm nay nhằm phát triển ngành theo hướng thông minh, số hóa trong bối cảnh đại dịch toàn cầu. Do đó, Bộ trưởng hy vọng diễn đàn sẽ là cơ sở để thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế đất nước và ngoại giao.
Bộ trưởng cho biết thêm, trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã được tín nhiệm, trở thành đại sứ của nông dân. Bộ Ngoại giao cũng đã kết hợp tổ chức nhiều chương trình, tọa đàm về nông nghiệp với nhiều quốc gia trên thế giới.
Trong thời gian tới, để chuẩn bị sự bứt phá kinh tế sau Covid-19, Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp với các Bộ, ngành nhằm đưa Việt Nam tiếp cận các xu thế mới của thế giới, tiếp tục đề xuất các sáng kiến, đóng góp vào sự phát triển kinh tế quốc gia nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng.