Ngày 27/2/2023, UBND huyện Tứ Kỳ ban hành Kế hoạch Tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Sau đây đài truyền thanh xã Quảng Nghiệp xin gửi tới toàn thể nhân dân một số nội dung chính của Kế hoạch Tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
a) Triển khai thực hiện Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của UBND tỉnh Hải Dương (sau đây gọi tắt là Kế hoạch);
b) Huy động trí tuệ, tâm huyết của Nhân dân nhằm hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) bảo đảm chất lượng, khoa học, khả thi, đồng bộ, hiệu quả; phản ánh ý chí, nguyện vọng, vì lợi ích Nhân dân và tạo không gian, nguồn lực cho sự phát triển của đất nước.
2. Yêu cầu
a) Bảo đảm thực hiện đúng mục đích, yêu cầu, đối tượng, nội dung, hình thức lấy ý kiến theo Kế hoạch số 353/KH-UBND ngày 13/02/2023 của UBND tỉnh Hải Dương.
b) Việc tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy Đảng, các cấp chính quyền địa phương và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
c) Xác định các nội dung trọng tâm, hình thức cụ thể phù hợp với từng đối tượng lấy ý kiến, thời hạn hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong việc triển khai lấy ý kiến Nhân dân.
d) Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ và thực hiện đầy đủ nội dung, đúng tiến độ của Kế hoạch; kịp thời đôn đốc, hướng dẫn và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện Kế hoạch. Các địa phương, tổ chức, đơn vị, cơ quan truyền thông có trách nhiệm tuyên truyền, vận động cán bộ, Nhân dân tham gia đóng góp ý kiến và phản ánh trung thực, kịp thời ý kiến đóng góp.
II. ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG, HÌNH THỨC, THỜI GIAN LẤY Ý KIẾN
1. Đối tượng lấy ý kiến
a) Các tầng lớp Nhân dân đang sinh sống, học tập và làm việc trên địa bàn huyện Tứ Kỳ;
b) Các cơ quan chuyên môn của huyện; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện và các tổ chức chính trị - xã hội thành viên của Mặt trận, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội;
c) Các doanh nghiệp, Công ty đóng trên địa bàn huyện và các đơn vị sự nghiệp công lập.
2. Nội dung lấy ý kiến
a) Lấy ý kiến toàn bộ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm bố cục, nội dung và kỹ thuật trình bày của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
b) Lấy ý kiến về một số vấn đề trọng tâm của dự thảo Luật, gồm: (1) Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; (2) Thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; (3) Phát triển quỹ đất; (4) Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; (5) Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; (6) Cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; (7) Chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; (8) Phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; (9) Hộ gia đình sử dụng đất.
c) Các nội dung trọng tâm theo từng nhóm đối tượng lấy ý kiến như sau:
- Các tầng lớp Nhân dân đang sinh sống, học tập và làm việc trên địa bàn huyện Tứ Kỳ: (1) Các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; (2) Trình tự, thủ tục thu hồi đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; (3) Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; (4) Về mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; (5) Về mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa; (6) Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai.
- Các cơ quan nhà nước của huyện; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện và các tổ chức chính trị - xã hội thành viên của Mặt trận, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội: (1) Thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; (2) Về người sử dụng đất, hộ gia đình sử dụng đất; (3) Căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; (4) Các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; (5) Quy định về bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất; (6) Việc sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thông qua việc thỏa thuận về quyền sử dụng đất; (7) Việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm; (8) Nguyên tắc xác định giá đất, bảng giá đất, giá đất cụ thể; (9) Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai.
- Các doanh nghiệp, Công ty đóng trên địa bàn huyện và các đơn vị sự nghiệp công lập: (1) Các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội; (2) vì lợi ích quốc gia, công cộng; (3) Quy định về bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước 3 thu hồi đất; (4) Việc sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thông qua việc thỏa thuận về quyền sử dụng đất; (5) Việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm.
3. Hình thức lấy ý kiến
a) Góp ý trực tiếp bằng văn bản (bản giấy, thư điện tử) áp dụng cho tất cả các đối tượng lấy ý kiến. Ý kiến góp ý gửi về Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện (bản giấy) hoặc gửi thư điện tử qua hòm thư: tnmt.tuky1@gmail.com để tổng hợp.
b) Góp ý trực tiếp thông qua website chính thức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại địa chỉ sau: luatdatdai.monre.gov.vn và địa chỉ www.tnmt.haiduong.gov.vn.
c) Thông qua Cổng thông tin điện tử của Quốc hội, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cổng thông tin điện tử huyện Tứ Kỳ (http://tuky.haiduong.gov.vn) và các phương tiện thông tin đại chúng, các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin, các hình thức khác phù hợp với quy định của pháp luật.
4. Thời gian lấy ý kiến
Thời gian lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) kết thúc vào ngày 10 tháng 3 năm 2023.