Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị
MTTQ cần tiếp tục tăng cường xây dựng và củng cố vững chắc khối đại đoàn
kết toàn dân tộc, phát huy tinh thần sáng tạo của các tầng lớp nhân dân
trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đoàn Chủ tọa hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai chương trình hành
động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên thực hiện Nghị quyết
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Sáng 16.8, Ban Thường trực Ủy ban
Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với các tổ chức thành viên tổ chức Hội
nghị toàn quốc triển khai Chương trình hành động của MTTQ
Việt Nam và các tổ chức thành viên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại
biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Hội nghị được tổ chức theo hình
thức trực tuyến tới 64 điểm cầu tại Thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành phố
trên cả nước, với sự tham dự của khoảng 2.000 đại biểu.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân
Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình
Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; các đồng chí lãnh đạo, nguyên
lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, đại diện lãnh đạo các bộ, ban,
ngành, cơ quan Trung ương…
Các đồng chí: Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy,
Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Thị Ngọc Bích, Ủy viên Ban Thường vụ
Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; một số đồng chí Ủy viên
Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo một số, ngành liên quan dự tại điểm cầu
Hải Dương.
Hội nghị được tổ chức nhằm quán triệt, bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong
việc triển khai thực hiện Chương trình hành động của Mặt trận và các tổ
chức thành viên, thể hiện quyết tâm cao và phấn đấu thực hiện thắng lợi
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trong toàn
hệ thống Mặt trận, tổ chức thành viên và các tầng lớp nhân dân.
Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ phải là ba chân kiềng vững chắc
Phát biểu chỉ đạo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Mặt trận có
một vị trí và vai trò vô cùng quan trọng. Không phải ngẫu nhiên mà ngay
sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời chưa được bao lâu, ngày
18.11.1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị về việc thành
lập Hội Phản đế đồng minh, hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân
tộc thống nhất Việt Nam và suốt hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của
Đảng, Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam đã ra sức hoạt động, bằng mọi
hình thức và biện pháp, khơi dậy tinh thần yêu nước, phát huy sức mạnh
vĩ đại của khối đại đoàn kết dân tộc, kết hợp với sức mạnh của thời đại,
góp sức đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua mọi thác ghềnh, mọi
phong ba bão táp, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: thời gian gần đây, Mặt trận và các
tổ chức thành viên đã thực hiện tốt quyền và trách nhiệm của mình, tham
gia tích cực vào công tác tổ chức, vận động nhân dân thực hiện thắng lợi
cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp
nhiệm kỳ 2021 - 2026. Khi đại dịch COVID-19 xảy ra, lây lan, bùng phát ở
nước ta, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên đã chủ động, sáng tạo,
phát huy vai trò nòng cốt, phối hợp với các cơ quan nhà nước ra lời kêu
gọi, tuyên truyền, vận động, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân
tộc, khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái trong nhân dân, góp công,
góp sức, góp tiền ủng hộ tuyến đầu phòng, chống dịch, bổ sung nguồn kinh
phí của Chính phủ mua vaccine phòng dịch, góp phần ngăn chặn, kiềm chế
sự gia tăng và đẩy lùi đại dịch COVID-19.
Trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây
dựng và bảo vệ đất nước theo tinh thần của Cương lĩnh chính trị, các văn
kiện quan trọng khác mà Đại hội XIII của Đảng vừa quyết định đang đặt
ra cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta những nhiệm vụ nặng nề nhưng
rất vẻ vang. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, với vai trò là tổ chức
đại diện của nhân dân, là một bộ phận cấu thành quan trọng trong hệ
thống chính trị ở nước ta, MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên cần làm
tốt hơn nữa vai trò là nòng cốt chính trị, có trách nhiệm vẻ vang trong
xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập hợp, vận động nhân dân đẩy
mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hành dân chủ, xây dựng đồng
thuận xã hội để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu chính trị của
đất nước trong giai đoạn mới. Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân
làm chủ phải là ba chân kiềng vững chắc của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ
đất nước ta, Tổ quốc ta.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, MTTQ
Việt Nam và các tổ chức thành viên cần tiếp tục tăng cường xây dựng và
củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy tinh thần
sáng tạo của các tầng lớp nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Một trong những nhiệm vụ bao trùm, quan trọng hàng đầu của MTTQ
là tiếp tục xây dựng và tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân,
tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, bảo đảm sự thống nhất cao về
nhận thức, tư tưởng và hành động, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và
chủ nghĩa xã hội, kiên quyết, kiên trì bảo vệ, giữ vững độc lập, chủ
quyền quốc gia, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, xây dựng đất nước
ngày càng giàu mạnh, văn minh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Mặt trận và các tổ chức thành viên phải làm tốt hơn nữa công tác tuyên
truyền, giáo dục, vận động nhân dân hiểu đầy đủ và thực hiện tốt đường
lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Mặt trận
phải là hạt nhân trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong
phòng, chống âm mưu, hoạt động "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù
địch; kiên quyết đấu tranh với các quan điểm sai trái, phản động, cơ hội
chính trị. Tăng cường tuyên truyền sâu rộng để các tầng lớp nhân dân
nhận thức sâu sắc âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch xuyên tạc
lịch sử, xuyên tạc quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật
của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo nhằm chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn
kết dân tộc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Phát huy, làm tốt vai trò nòng cốt
Để phát huy sức mạnh sáng tạo to lớn của các tầng lớp nhân dân, đoàn
viên, hội viên góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh
tế, xã hội của đất nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, MTTQ
cần thực hiện tốt hơn nữa vai trò nòng cốt trong việc chủ trì hiệp
thương, phối hợp với các tổ chức thành viên và các cấp chính quyền động
viên, phát huy tốt hơn nữa vai trò đoàn kết các giai tầng, nêu cao vai
trò của các cá nhân tiêu biểu trong các giới đồng bào, các dân tộc, tôn
giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. MTTQ
quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng và lợi ích thiết thực của mỗi tầng lớp
nhân dân, tạo mọi điều kiện thuận lợi và vận động, lôi cuốn để nhân dân
tham gia mạnh mẽ vào các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Mặt
trận và các tổ chức thành viên phát động; phát huy mọi nguồn lực, khả
năng sáng tạo, đóng góp tích cực vào sự nghiệp chung của đất nước.
Mặt trận và các tổ chức thành viên chú trọng phát triển giai cấp công
nhân cả về số lượng và chất lượng; phát huy vai trò chủ thể của nông
dân; xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao;
phát triển đội ngũ doanh nhân; tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lý
tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá; nâng cao chất lượng nguồn
nhân lực nữ; phát huy tính tích cực chính trị - xã hội của cựu chiến
binh, cán bộ công an hưu trí; phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao
động, học tập của người cao tuổi trong xã hội, cộng đồng và gia đình.
Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát
triển, Mặt trận và các tổ chức thành viên chú trọng tính đặc thù của
từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tiếp tục vận động, đoàn kết, tập
hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống "tốt đời đẹp đạo"; hỗ
trợ để người Việt Nam ở nước ngoài có địa vị pháp lý vững chắc; nâng cao
hiệu quả công tác bảo hộ công dân; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc,
nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc; động viên đồng bào hướng về đất
nước, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hiện nay, tình hình đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp,
tốc độ lây lan rất nhanh, gây tổn hại lớn về sức khoẻ và tính mạng của
người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội và mọi mặt của
đời sống. Với tinh thần "chống dịch như chống giặc", bảo vệ sức khoẻ,
tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú
Trọng đề nghị MTTQ và các tổ
chức thành viên cùng toàn thể các tầng lớp nhân dân cùng đồng lòng nhất
trí cao nhất tham gia phòng, chống dịch với tinh thần: Chúng ta đã cố
gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết
tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng
lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn
chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng
đồng, bảo vệ sức khoẻ, tính mạng và chăm lo tốt nhất cho đời sống của
nhân dân.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, MTTQ
Việt Nam và các tổ chức thành viên cần phát huy mạnh hơn nữa vai trò
tiên phong trong việc bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân; tham gia xây
dựng Đảng và Nhà nước ngày càng vững mạnh. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cần phát huy, làm tốt vai trò làm nòng cốt để nhân dân làm chủ.
MTTQ Việt Nam cần làm tốt hơn nữa vai trò giám sát và phản biện xã hội theo tinh thần Hiến pháp năm 2013, Luật MTTQ
Việt Nam và các quy định của Đảng, Nhà nước; tăng cường giám sát để tạo
sự đồng thuận, nhất trí cao, ổn định xã hội, phát triển toàn diện và
bền vững đất nước. MTTQ phải
tiếp tục làm tốt vai trò chủ trì hiệp thương, phối hợp giữa các tổ chức
thành viên trong việc thực hiện giám sát và phản biện xã hội; phát huy
tối đa trí tuệ của các nhà khoa học, những chuyên gia giàu kinh nghiệm
tham gia xây dựng pháp luật, phản biện, đóng góp ý kiến hoàn thiện khâu
đột phá về thể chế phát triển đất nước, thể chế phát huy mạnh mẽ quyền
làm chủ của nhân dân, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và
của cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhất là những vấn đề quốc kế dân
sinh, liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của quần chúng
nhân dân.
MTTQ Việt Nam và các tổ chức
thành viên tiếp tục chủ động tham gia sâu hơn, toàn diện, hiệu quả hơn
và động viên nhân dân tích cực tham gia vào công tác đấu tranh phòng,
chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phát
huy vai trò tích cực trong tham gia kiểm soát quyền lực, giám sát để
quản lý xã hội công khai, minh bạch; phối hợp đề xuất, xây dựng các cơ
chế, phương thức phù hợp phản ánh tới cấp ủy, chính quyền và trực tiếp
đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí ở ngay tại mỗi
địa bàn dân cư, cơ quan, đơn vị.
MTTQ Việt Nam và các tổ chức
thành viên phải làm tốt hơn vai trò tập hợp, lắng nghe ý kiến nhân dân
để phản ánh với các cơ quan đảng và Nhà nước ở Trung ương cũng như các
địa phương; chủ động phối hợp với chính quyền các cấp giải quyết có hiệu
quả những vấn đề xã hội bức xúc ngay tại cơ sở, góp phần bảo đảm quyền
và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; luôn đối thoại, lắng nghe,
học hỏi, tiếp thu ý kiến, giải quyết khó khăn, vướng mắc và yêu cầu
chính đáng của nhân dân; tin dân và tôn trọng dân.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hải Dương
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, đổi mới phương thức hoạt động
Về công tác xây dựng nội bộ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, MTTQ
Việt Nam và các tổ chức thành viên cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, kiện
toàn, đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động, đáp ứng yêu cầu
nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
MTTQ Việt Nam và các tổ chức
thành viên phải kịp thời đề xuất, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất
cập về thể chế; mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động và nâng cao hiệu lực,
hiệu quả hoạt động của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể; phát huy hiệu
quả vai trò chủ trì hiệp thương của Mặt trận trong phối hợp thống nhất
hành động với các tổ chức thành viên. Mặt trận và các tổ chức thành viên
cần chú trọng việc phối hợp với chính quyền bằng các quy chế, chương
trình, kế hoạch cụ thể để thực sự tạo nên sức mạnh của cả hệ thống chính
trị thực hiện nhiệm vụ chung; tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công
nghệ thông tin trong hoạt động, tuyên truyền, vận động, nắm bắt tình
hình đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân đáp ứng yêu cầu trong
giai đoạn mới.
MTTQ Việt Nam và các tổ chức
thành viên tập trung nâng cao chất lượng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán
bộ Mặt trận và đoàn thể có tâm huyết, trách nhiệm với công việc, không
ngừng đổi mới tư duy, sáng tạo, có bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, dám chịu
trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách vì sự phát triển
chung của đất nước. Đặc biệt là đội ngũ cán bộ hoạt động chuyên trách ở
các cấp phải thật sự say mê với công việc, ra sức học tập, rèn luyện,
nâng cao trình độ hiểu biết về các mặt, thường xuyên nêu gương, phải trở
thành những tấm gương sáng để dân mến, dân thương, dân tôn trọng và
nhân dân được nhờ; tập hợp, phát huy tối đa vai trò, sự đóng góp của các
nhà khoa học, các chuyên gia, các cá nhân tiêu biểu trong các tầng lóp
nhân dân, trong các dân tộc, các tôn giáo và người Việt Nam ở nước
ngoài.
Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn
dân, do đó Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, phải tiếp tục đổi mới
mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng đối với MTTQ
và các tổ chức thành viên. Đảng ta vừa là người lãnh đạo, vừa là thành
viên của Mặt trận; Đảng lãnh đạo Mặt trận thông qua việc phát huy vai
trò thành viên của Mặt trận chứ không đứng ngoài, đứng trên để lãnh đạo
Mặt trận.
Mỗi cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên phải tiếp tục quán triệt,
nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác Mặt
trận trong tình hình mới; đề cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị
đối với hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội
trong cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ". Cán
bộ, công chức, viên chức Nhà nước nâng cao ý thức trách nhiệm về thực
hành phong cách dân vận theo tấm gương, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí
Minh: "Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân";
"Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin", thực sự vì nhân dân, phục vụ
lợi ích của nhân dân.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, phải thật sự thấm sâu lời dạy
của Bác Hồ: "Làm công bộc của dân", "làm đầy tớ nhân dân chứ không phải
làm quan nhân dân", "đừng lên mặt làm quan nhân dân"; không phải trước
mặt dân cứ viết lên trán hai chữ "Cộng sản" mà người ta nể sợ. Muốn vận
động nhân dân thì trước hết mỗi công chức, đảng viên phải thực sự gương
mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật
của Nhà nước, đi đầu hưởng ứng các phong trào thi đua, cuộc vận động do
Mặt trận và các đoàn thể phát động; thông qua hoạt động của Mặt trận và
đoàn thể để đến với nhân dân. Đây là cơ hội để gần dân, hiểu dân, lắng
nghe ý kiến của nhân dân; kiểm nghiệm xem các chủ trương của Đảng, chính
sách của Nhà nước có đến được với nhân dân hay không, có thuận lòng dân
hay không? Đồng chí nào thờ ơ với hoạt động của Mặt trận, đoàn thể thì
cũng đồng nghĩa với xa rời quần chúng nhân dân.
Các cấp ủy từ Trung ương đến cơ sở cần tiếp tục tăng cường hơn nữa sự
lãnh đạo của Đảng đối với công tác Mặt trận và các đoàn thể nhân dân.
Trong bối cảnh tình hình mới hiện nay, công tác vận động, đoàn kết nhân
dân cần phải có sự đầu tư xứng đáng và dựa trên cơ sở nhận thức mới.
Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội
đảng bộ các cấp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, các cấp ủy chỉ
đạo, rà soát đánh giá tổng thể việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị,
kết luận và các chủ trương về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và
về công tác Mặt trận.
Các cơ quan nhà nước cần quan tâm nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, cơ
chế, chính sách, pháp luật, tạo mọi điều kiện để nhân dân phát huy quyền
làm chủ, tham gia có hiệu quả vào quản lý nhà nước, quản lý xã hội;
hoàn chỉnh cơ sở pháp lý cho các hoạt động của Mặt trận và các tổ chức
thành viên; tăng cường cơ sở pháp lý nhằm phát huy vai trò tự quản của
nhân dân trong cộng đồng dân cư, thôn, tổ dân phố.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn
thiện pháp luật về giám sát và phản biện xã hội, tạo điều kiện thật tốt
để phát huy vai trò giám sát của nhân dân, giám sát trực tiếp và giám
sát thông qua vai trò của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân. Mặt khác,
các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương cần căn cứ vào chức
năng, nhiệm vụ, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng hơn nữa với Mặt trận và
các đoàn thể nhân dân. Thông qua các cơ chế khác nhau như nghị quyết
liên tịch, quy chế phối hợp, chương trình phối hợp... vừa để tăng cường
hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước kết hợp với phương thức vận động,
tập hợp nhân dân, tạo thành sức mạnh chung để giải quyết có hiệu quả các
mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, nhất là các
nhiệm vụ cấp bách về giảm nghèo, an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới,
phòng, chống dịch bệnh... Làm được như vậy sẽ có lợi cho cả Nhà nước và
Mặt trận trong việc phục vụ lợi ích của toàn dân.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ mong muốn, MTTQ
Việt Nam và các tổ chức thành viên sẽ triển khai thực hiện có hiệu quả
chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tiếp
tục có những hoạt động năng động, sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa;
thiết thực, hiệu quả cao hơn nữa, góp phần tập hợp ngày càng đông đảo
các tầng lớp nhân dân trong khối đại đoàn kết dân tộc; tăng cường mối
quan hệ gắn bó máu thịt giữa nhân dân với Đảng và Chính quyền, tạo thành
sức mạnh to lớn, vô địch để xây dựng Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh,
nhân dân ta ngày càng hạnh phúc; đất nước ta ngày càng phát triển, phồn
vinh./.