Mấy
năm gần đây, rơm rạ không còn là chất đốt chủ yếu ở nông thôn, vì vậy,
sau mùa gặt họ đốt ngay tại cánh đồng. Khói rơm rạ theo gió bay đi khắp
nơi, làm cho nhiều đô thị lớn bị ảnh hưởng nặng.
Thông
báo của Tổng cục Môi trường cho hay, từ ngày 3/6, chất lượng không khí
tại một số tỉnh miền Bắc xu hướng suy giảm vào ban đêm và một trong
những nguyên nhân chính là “hiện tượng đốt rơm rạ đang diễn ra phổ
biến”.
“Tại
khu vực nông thôn, sau một ngày phơi nắng, rơm rạ thường được đốt vào
buổi tối, vì vậy các chất ô nhiễm, đặc biệt là bụi mịn PM2.5 bắt đầu
tăng từ khoảng 18h và đạt giá trị cực đại vào 20h đến 22h hàng ngày”,
thông báo nêu.
Khi
rơm rạ bị đốt cháy, thành phần C,H,O sẽ biến thành khí CO2, CO và hơi
nước; protein bị phân hủy và biến thành các khí NO2, NO3, SO2… và tro
sót lại chứa một ít P, K, Ca và Si… .
Đốt rơm rạ thải ra nhiều khí gây hại cho môi trường, sức khỏe
Theo
PSG.TS Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường, ĐH
Bách Khoa Hà Nội, trong các quá trình đốt cháy hở như đun nấu bằng lò
than tổ ong.., đốt sinh khối như phụ phẩm nông nghiệp, rơm rạ, giấy,
gỗ…, đốt rác thải, sự cố cháy nhà, cháy rừng… là đốt ở nhiệt độ thấp nên
cháy hoàn toàn nên sẽ phát sinh ra hàng loạt chất ô nhiễm, trong đó có
bụi, CO2, kim loại như chì, thủy ngân, kẽm, asen…Khói sinh ra từ quá
trình đốt ngoài trời còn gây khói mù và ảnh hưởng đến tầm nhìn, đặc biệt
trên các đoạn đường giao thông.
Theo
tính toán của GS Nguyễn Lân Dũng: “Trung bình một hecta lúa cho 10 – 12
tấn rơm rạ. Việc đốt lượng phế thải nông nghiệp khổng lồ này sẽ tạo ra
một lượng lớn các khí CO, CO2, NO2, SO2, H2O, và hàng trăm hợp chất khác
có hại cho sức khỏe con người, làm tăng lượng khí thải vào bầu khí
quyển, gây ảnh hưởng không nhỏ đến lưới điện. Hơn nữa, khói rơm rạ
thường có tính cay, làm chảy nước mắt, gây kích thích phản ứng ở họng,
làm người ta ho, hắt hơi, lợm giọng, buồn nôn, thở khò khè, hoặc có cảm
giác ngạt thở… Đặc biệt, vào những ngày trời ẩm hoặc đứng gió, khói rơm
khuếch tán chậm trong không khí còn gây tác hại dài ngày”.
Khói
rơm rạ có tính cay, làm chảy nước mắt, gây kích thích phản ứng ở họng,
khiến người hít khói rơm rạ dễ bị ho, hắt hơi, buồn nôn, ngạt thở. Nếu
hít phải loại khói này trong thời gian dài, rất dễ dẫn đến mắc những
bệnh liên quan đến hô hấp: nhiễm trùng phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn
tính, ung thư phổi…
Các
nhà khoa học môi trường chỉ ra rằng con người tự gây ô nhiễm bụi không
khí qua việc đốt than củi, nhiên liệu hóa thạch, bụi từ các công trình
xây dựng, đường phố, đốt rác thải, hút thuốc….đặc biệt do đốt rơm rạ
trên cánh đồng vào mùa canh tác. Và những hạt khói bụi nhỏ, bụi nano, từ
đốt rơm rạ này có khả năng chui sâu vào ảnh hưởng đến cả nhân tế bào.
Trường
hợp đốt rơm rạ ngay trên cánh đồng thành tro còn làm cho chất hữu cơ
trong rơm rạ do nhiệt độ cao đều biến thành các chất vô cơ, làm cho đất
ruộng bị chai cứng, mất đi chất dinh dưỡng thành phần còn sót lại trong
tro chỉ là phốt pho, kali, canxi và silic…không giúp ích mấy cho cây
trồng.
Khói đốt rơm, rạ cản trở tầm nhìn của người tham gia giao thông
Các
chuyên gia môi trường cảnh báo, đốt rơm rạ gây nên ô nhiễm bụi mịn. Đây
là loại ô nhiễm rất đáng lo ngại. Nếu như với ô nhiễm bụi đường bình
thường thì dùng khẩu trang có thể ngăn chặn được, còn với ô nhiễm bụi
mịn thì khẩu trang cũng vô ích, bụi chui sâu vào phổi, gây các bệnh về
hô hấp, thậm chí ung thư.
Không
những vậy, việc đốt lượng rơm rạ lớn trong cùng một lúc sẽ làm nóng bầu
khí quyển, khiến nhiệt độ trở nên nóng hơn. Đặc biệt, ởcác đô thị lớn
như Hà Nội, số tòa nhà cao tầng nhiều hơn so với các địa phương khác, vì
vậy, sự lưu thông khí kém hơn, trong khi đó mức độ ô nhiễm không khí
lại cao do khí thải độc hại từ động cơ và khu công nghiệp không thoát
lên cao mà tập trung dưới mặt đất, dễ gây ra hiện tượng mù quang hóa.
Việc
đốt rơm rạ không chỉ làm ô nhiễm môi trường mà còn sinh ra hiện tượng
mù khói, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân và mất an toàn giao
thông. Vào những ngày thời tiết âm u, lượng khói thải ra từ đống rơm, rạ
cháy tạo nên một lớp mù dày đặc, làm che khuất tầm nhìn của người đi
đường. Mặc dù chưa có vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra do ảnh hưởng của mù
khói rơm rạ, tuy nhiên, vì an toàn giao thông và sức khỏe của cộng
đồng, việc đốt rơm rạ cần phải được giảm thiểu.