TIN TỔNG HỢP KHÁC
Thực hiện các biện pháp chống nắng nóng và dịch bệnh trong chăn nuôi
01/06/2021 04:31:37

Trong 03 ngày qua, tại Hải Dương thời tiết nắng nóng gay gắt, nhiệt độ cao nhất trong ngày lên tới 38- 39oC. Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia, đợt nắng nóng này sẽ còn kéo dài tiếp thêm 03 ngày nữa với nhiệt độ 39oC- 40oC, đến ngày 04/6 sẽ xuất hiện mưa giông, nhiệt độ mới giảm thấp xuống 33oC. Trong điều kiện thời tiết như vậy, nếu các hộ chăn nuôi không có các biện pháp chống nắng nóng hiệu quả, gia súc, gia cầm không được chăm sóc, nuôi dưỡng đúng kỹ thuật sẽ có thể bị chết hoặc suy giảm sức đề kháng làm gia tăng nguy cơ phát sinh, bùng phát dịch bệnh, gây thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi. Trước tình hình trên, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đề nghị UBND các xã, thị trấn giao cho Ban Thú y, Khuyến nông viên cơ sở phối hợp với Hội Nông dân và Đài truyền thanh xã tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp chống nắng nóng và dịch bệnh trong chăn nuôi như sau: 1. Đối với đàn trâu, bò, dê - Chuồng trại đảm bảo chắc chắn, thoáng mát, nền chuồng cao ráo, thường xuyên được dọn dẹp, vệ sinh sạch sẽ, thu gom phân, rác thải, thức ăn thừa chuyển ra ngoài đem ủ hoặc chôn, làm hạn chế việc tăng nhiệt độ trong chuồng nuôi. - Vào những ngày nắng nóng, cần thường xuyên phun nước lên mái lợp bằng tôn hoặc fibro ximang, lắp hệ thống phun sương trong chuồng nuôi, đồng thời bố trí quạt điện để làm mát (Chú ý lắp quạt ngang tầm lưng gia súc, không treo quạt từ trên trần thổi khí nóng từ mái xuống gia súc). - Vào những ngày nắng nóng không nên chăn thả trâu, bò mà quản lý tại chuồng hoặc tại khu vực có cây xanh, bóng mát. Thường xuyên tắm mát cho gia súc để giảm nhiệt cơ thể và phòng chống tress nhiệt độ. - Đảm bảo đầy đủ nước uống, khẩu phần ăn, tăng cường thức ăn thô xanh, bổ sung thêm chất điện giải, vitamin C pha vào nước uống để giải nhiệt, tăng sức đề kháng cho gia súc. - Thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho trâu, bò, dê theo Kế hoạch của UBND huyện Tứ Kỳ như: Tụ huyết trùng, Lở mồm long móng… 2. Đối với đàn lợn, gia cầm Ở Việt Nam, đối với chuồng trại nuôi lợn và nuôi gia cầm, chuồng trại được thiết kế theo hướng Đông- Tây, chính diện chuồng theo hướng Bắc- Nam là phù hợp nhất. Trong những ngày nắng nóng, các hộ chăn nuôi cần thực hiện các biện pháp chống nắng nóng để bảo vệ gia súc, gia cầm như sau: + Đối với chuồng thiết kế xây dựng kiểu chuồng hở: 2 - Nền chuồng cần cao ráo, chuồng thiết kế thoáng mát. Trong thời gian cao điểm nắng nóng, cần sử dụng lưới đen, bạt hoặc phên nứa để che nắng chiếu trực tiếp vào trong chuồng nuôi. Những ngày nắng nóng cần thường xuyên làm mát mái chuồng bằng hệ thống phun nước, đặc biệt lưu ý vào những lúc nắng nóng cao điểm trong ngày (từ 11h trưa đến 16h chiều). Trong chuồng bố trí đầy đủ quạt mát, hệ thống phun sương để đảm bảo nhiệt độ phù hợp với gia súc, gia cầm trong chuồng nuôi. + Đối với chuồng thiết kế xây dựng kiểu chuồng kín: - Đảm bảo hệ thống làm mát, thông gió luôn hoạt động ổn định, có thiết bị báo mất điện, cần trang bị máy phát điện dự phòng trong trường hợp mất điện hoặc gặp sự cố về điện. Đây là yếu tố đặc biệt quan trọng đối với chăn nuôi lợn, gà công nghiệp mật độ cao, gà đẻ lồng tầng. - Hàng ngày cần dọn dẹp, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, không để phân, nước thải tồn đọng gây ô nhiễm, hơi phân bốc lên làm gia tăng nhiệt độ trong chuồng nuôi. Đối với gà nuôi trên nền đệm lót vi sinh, vào mùa hè cần làm đệm lót mỏng hơn so với các mùa khác nhằm hạn chế nhiệt lượng bốc lên từ mặt đệm lót. - Bố trí mật độ nuôi phù hợp đối với từng loại vật nuôi, lứa tuổi, nên giảm mật độ nuôi nhất là với chăn nuôi lợn thịt, gà thịt và gà đẻ để tạo sự thông thoáng và hạn chế sức nóng từ chính vật nuôi. Cụ thể: đối với gà giai đoạn úm 45-50 con/m2 , gà từ 0,5-1,0 kg: 20- 25 con/m2 , gà 2- 3kg: 6-8 con/m2 ; đối với lợn: lợn nái: 3- 4m2 /con, lợn thịt 2m2 /con. - Đảm bảo thường xuyên cung cấp đầy đủ nước uống, điều chỉnh khẩu phần ăn hợp lý, giảm thức ăn tinh để hạn chế sinh nhiệt. Cho ăn làm nhiều bữa trong ngày, đặc biệt nên cho ăn vào lúc sáng sớm và chiều mát hoặc buổi tối, hạn chế cho ăn vào buổi trưa khi trời nắng nóng. Tăng số lượng máng uống và cung cấp đầy đủ nước sạch, mát cho vật nuôi. Cần bổ sung vào nước uống các chất điện giải, Vitamin C, Bcomlex...để giải nhiệt, bổ sung men tiêu hoá vào thức ăn, tăng sức đề kháng cho vật nuôi. - Định kỳ khử trùng chuồng trại bằng các loại hóa chất như HanIodin, Benkocid... -Thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin để phòng các bệnh truyền nhiễm kế phát khi sức kháng của đàn vật nuôi bị suy giảm do nắng nóng. - Thường xuyên theo dõi sức khỏe đàn vật nuôi, phát hiện sớm vật nuôi có dấu hiệu bất thường để cách ly và điều trị kịp thời.

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ QUẢNG NGHIỆP - HUYỆN TỨ KỲ

Trưởng Ban Biên tập: Ông Vũ Chí Mạnh - Chủ tịch UBND xã

Địa chỉ: xã Quảng Nghiệp, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương

Điện thoại: 0979872067

Email: vuchimanh@haiduong.gov.vn

Số lượt truy cập
Đang truy cập: 0
Hôm nay: 5
Tháng này: 6,431
Tất cả: 125,942