TIN TỔNG HỢP KHÁC
Phát triển sản xuất chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2021
10/04/2021 04:30:59

UỶ BAN NHÂN DÂN

HUYỆN TỨ KỲ

Số: /KH-UBND

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Tứ Kỳ, ngày tháng 01 năm 2021

KẾ HOẠCH

Phát triển sản xuất chăn nuôi và phòng, chống

dịch bệnh động vật năm 2021

Thực hiện quy định của Luật Chăn nuôi, Luật Thú y các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; Kế hoạch số 84/SNN-KH-CNTY ngày 18/01/2021 của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hải Dương về phát triển sản xuất chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2021, UBND huyện xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2021 trên địa bàn huyện Tứ Kỳ như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tổ chức thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, của huyện về công tác phát triển chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh động vật; triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tạo ra sản phẩm an toàn, có truy xuất nguồn gốc; nâng cao chất lượng con giống, duy trì bảo tồn các giống địa phương đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường; ổn định và phát triển số lượng đàn vật nuôi đặc biệt là đàn lợn và đàn gia cầm.

- Khuyến khích phát triển chăn nuôi quy mô gia trại, trang trại xa khu dân cư, chăn nuôi theo hướng hữu cơ, an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, mô hình phát triển nông nghiệp tuần hoàn (công nghệ Enzym thủy phân, công nghệ đệm lót sinh học trong chuồng kín); mô hình liên kết chuỗi gắn với truy xuất nguồn gốc. Đẩy mạnh các chuỗi liên kết trong sản xuất chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm tạo ra sản phẩm sạch đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hạn chế chăn nuôi nông hộ trong khu dân cư để đảm bảo an toàn dịch bệnh, phát triển bền vững và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

-Tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật nhằm chủ động ngăn chặn, giám sát phát hiện sớm, sẵn sàng ứng phó kịp thời và hiệu quả các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật, hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh xảy ra; chủ động ứng dụng khoa học công nghệ vào quy trình chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh để nâng cao năng suất, sản lượng đồng thời tạo ra sản phẩm sạch, an toàn dịch bệnh, đồng thời giúp giảm chi phí trong chăn nuôi, góp phần phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn huyện.

2. Yêu cầu

- Quản lý chặt chẽ đàn vật nuôi, nắm chắc tổng đàn gia súc, gia cầm, các đối tượng vật nuôi, diễn biến thị trường, trên cơ sở đó định hướng phát triển các đối tượng nuôi phù hợp, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

- Công tác phát triển sản xuất chăn nuôi phải phù hợp với quy định của Luật Chăn nuôi, chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2045, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của huyện với quy hoạch tổng thể phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái.

- Công tác phòng, chống dịch bệnh động vật phải chủ động, kịp thời, hiệu quả theo đúng quy định của Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn thi hành; có sự chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, các ngành từ tỉnh, huyện tới cơ sở và cả hệ thống chính trị.

- Tuyên truyền sâu rộng tới toàn thể nhân dân về các quy định của Pháp luật liên quan tới lĩnh vực chăn nuôi thú y.

II. NỘI DUNG

1. Một số chỉ tiêu chủ yếu

Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng 5% so với năm 2020, trên 80% số hộ chăn nuôi (thuộc diện phải kê khai) thực hiện kê khai các hoạt động chăn nuôi.

Hoàn thành tốt chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế xã hội do UBND tỉnh giao tại Quyết định số 3999/QĐ-UBND ngày 30/12/2020 của UBND tỉnh Hải Dương: Đàn trâu, bò: 2.500 con; Đàn lợn: 46.000 con; đàn gia cầm 1,1 triệu con.

Triển khai thực hiện 1-2 dự án, kế hoạch hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn huyện; hỗ trợ xây dựng 2-3 mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh động vật, mô hình chăn nuôi an toàn sinh học.

Tỷ lệ tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm đạt trên 80% tổng đàn.

2. Một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu:

2.1. Công tác thông tin, tuyên truyền

- Tăng cường thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng, chính quyền các cấp, các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực chăn nuôi - thú y.

- Thực hiện tốt các quy định của Luật Chăn nuôi, Luật Thú y, Luật An toàn thực phẩm và các quy định khác có liên quan; hạn chế thấp nhất nguy cơ, tác hại của dịch bệnh. Nghiêm cấm việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; nhân rộng các điển hình về phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa đảm bảo các quy định an toàn thực phẩm (ATTP) gắn với các chuỗi liên kết từ sản xuất tới chế biến tiêu thụ có truy xuất nguồn gốc.

2.2. Các biện pháp phát triển chăn nuôi và quản lý hoạt động chăn nuôi

a) Phát triển chăn nuôi

- Tổ chức hướng dẫn các cơ sở phát triển chăn nuôi an toàn dịch bệnh; duy trì và phát triển các trang trại chăn nuôi theo hướng VietGap; hướng dẫn các trang trại chăn nuôi quy mô lớn thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi.

- Xây dựng và khuyến khích mô hình chăn nuôi ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế; xây dựng các chuỗi liên kết trong chăn nuôi tạo sản phẩm truy xuất được nguồn gốc đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

- Thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo mô hình doanh nghiệp, trang trại, gia trại tại các vùng xa khu dân cư theo quy hoạch, gắn với nhu cầu thị trường; phát triển chăn nuôi có kiểm soát đảm bảo an toàn sinh học, chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi tuần hoàn không xả thải ra môi trường; giảm dần, tiến tới xóa bỏ chăn nuôi trong khu dân cư.

- Quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất trong chăn nuôi; thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định tại Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT về Hướng dẫn một số điều của Luật chăn nuôi về hoạt động chăn nuôi.

- Hướng dẫn người chăn nuôi lựa chọn thức ăn phù hợp với từng đối tượng nuôi, từng giai đoạn nuôi; không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, hạn chế sử dụng các loại thuốc, hóa chất, kháng sinh trong quá trình nuôi, tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường; áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, quy trình VietGap, quy trình chăn nuôi hữu cơ trong chăn nuôi công nghiệp, chăn nuôi tập trung để nâng cao giá trị sản phẩm.

b) Quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh con giống, vật tư, hóa chất, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi

- Tổ chức tập huấn, phối hợp thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh con giống, vật tư, hóa chất, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi về các quy định, điều kiện sản xuất, kinh doanh lĩnh vực chăn nuôi - thú y, sớm phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

- Quản lý chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh con giống trên địa bàn huyện (kiểm soát kiểm tra đầu vào đầu ra). Các cơ sở sản xuất giống phải công bố tiêu chuẩn chất lượng giống, nhất là giống lợn, giống gia cầm.

2.3. Phòng, chống dịch bệnh động vật

- Tăng cường kiểm tra giám sát, phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh lấy mẫu giám sát chủ động, bị động ở gia súc, gia cầm, động vật tại những khu vực ổ dịch cũ, nguy cơ cao để xét nghiệm cảnh báo sớm dịch bệnh. Chủ động ứng phó với những bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện, giám sát, phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời không để dịch lây lan ra diện rộng.

- Thường xuyên thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi, chợ buôn bán gia súc, gia cầm, khu vực giết mổ gia súc, gia cầm, nơi có ổ dịch cũ bằng các biện pháp kỹ thuật phù hợp.

- Tiêm vắc xin phòng bệnh bảo vệ cho đàn gia súc, gia cầm (Chi tiết tại phụ lục 2 đính kèm): cần tổ chức tốt, đảm bảo nhanh gọn, an toàn và hiệu quả.

+ Vụ xuân: tiêm phòng chính vụ từ 15/3/2021 đến 30/4/2021.

+ Vụ thu: tiêm phòng chính vụ từ 15/9/2021 đến 30/10/2021.

Ngoài 2 đợt tiêm phòng chính, các địa phương tổ chức tiêm phòng bổ sung cho những gia súc, gia cầm phát sinh.

- Giám sát, đánh giá hiệu quả tiêm phòng vắc xin; xây dựng kế hoạch giám sát, đánh giá tỷ lệ bảo hộ sau tiêm phòng để có căn cứ chỉ đạo công tác phòng, chống dịch phù hợp.

- Kiểm tra, kiểm soát giết mổ động vật:

+ Thành lập các Tổ công tác liên ngành để kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đến địa phương, nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép.

+ Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở giết mổ động vật thực hiện tốt các quy định về điều kiện vệ sinh thú y, ATTP đối với hoạt động giết mổ động vật, sơ chế, chế biến sản phẩm động vật.

- Xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật, phát triển chăn nuôi ATSH, mô hình nông nghiệp tuần hoàn; hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học, nhân rộng các mô hình kinh tế tuần hoàn; tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện đủ điều kiện đăng ký xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh.

- Xử lý dịch bệnh động vật: Khi phát hiện ổ dịch bệnh động vật phát sinh phải huy động các nguồn lực triển khai ngay các biện pháp chống dịch theo quy định, khống chế không để dịch lây lan.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Phòng Nông Nghiệp và PTNT

- Tham mưu UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện tốt Kế hoạch phát triển chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2021. Tham mưu xây dựng chính sách hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi theo quy trình VietGap, các mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao..; xây dựng kế hoạch giao chỉ tiêu về sản xuất chăn nuôi và giao chỉ tiêu tiêm phòng cho các xã, thị trấn trước thời điểm tiêm phòng của từng vụ.

- Phân công cán bộ phối hợp với các cơ quan chuyên môn có liên quan tham gia công tác phòng chống dịch và đôn đốc công tác tiêm phòng theo yêu cầu của UBND huyện.

- Phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh giống, thuốc, vật tư thú y, thức ăn chăn nuôi…hoạt động kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người chăn nuôi. Chủ động cung cấp thông tin phục vụ công tác tuyên truyền, vận động.

2. Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện

- Tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, thú y, hướng dẫn các biện pháp phát triển sản xuất chăn nuôiphòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; tăng cường giám sát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ; tham mưu xử lý kịp thời các trường hợp dịch bệnh phát sinh.

- Tiếp nhận và cung ứng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh, dụng cụ thú y, vật tư hoá chất đáp ứng nhu cầu cho các xã, thị trấn. Thực hiện tốt quy trình bảo quản văcxin, cung ứng đầy đủ, kịp thời các loại văcxin, các loại thuốc, vật tư thú y cho các địa phương; hướng dẫn các biện pháp để bảo quản và sử dụng văcxin có hiệu quả nhất cho các cán bộ thú y cơ sở.

- Tăng cường giám sát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ; tham mưu xử lý kịp thời các trường hợp dịch bệnh phát sinh.

- Phối hợp với UBND, Ban chăn nuôi - Thú y các xã, thị trấn tăng cường kiểm dịch động vật, kiểm tra vệ sinh thú y, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định

- Hướng dẫn Ban chăn nuôi - Thú y xã, thị trấn hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ để thực hiện việc thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ tiền mua vắc xin theo quy định.

- Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thực hiện chế độ thông tin, báo cáo tình hình dịch bệnh động vật theo quy định tại Thông tư số 07/2016/TT- BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm huyện và Chi cục Thú y tỉnh theo đúng quy định.

2. Phòng Tài chính - Kế hoạch

Chủ động xây dựng kế hoạch dự phòng nguồn tài chính theo hướng dẫn của cấp trên để phục vụ cho công tác phát triển sản xuất chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh theo kế hoạch và đột xuất khi có dịch phát sinh.

3. Đài Phát thanh huyện

- Tuyên truyền về chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất chăn nuôi của Trung ương, của tỉnh, của huyện để người dân nắm được và thực hiện.

- Tăng cường tuyên truyền Luật Thú y và các quy định của Nhà nước trong công tác phòng chống dịch bệnh; tuyên truyền về tác hại của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở gia súc, gia cầm; hiệu quả của các mô hình phát triển chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi theo quy trình VietGap, chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi tuần hoàn...

- Thường xuyên đưa tin về tiến độ và kết quả tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh của các xã, thị trấn để khích lệ động viên những xã có thành tích cao và đôn đốc những đơn vị còn yếu kém.

4. Uỷ ban nhân dân các xã, thị trấn

- Tuyên truyền Luật Chăn nuôi, Luật Thú y, Luật An toàn thực phẩm và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật cho người chăn nuôi nắm được; thực hiện quản lý chăn nuôi theo quy định của Luật.

- Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt nội dung kế hoạch phát triển sản xuất chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2021 của UBND huyện. Căn cứ chỉ tiêu về sản xuất chăn nuôi năm 2021 UBND huyện giao để định hướng phát triển chăn nuôi tại địa phương (Chi tiết tại phụ lục 1 đính kèm).

- Kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật ; phân công rõ trách nhiệm đối với từng thành viên trong Ban chỉ đạo. Có phương án chuẩn bị lực lượng tham gia phòng chống dịch và quy hoạch vùng chôn, tiêu huỷ gia súc, gia cầm mắc bệnh nếu có dịch xảy ra.

- Tổ chức thực hiện việc kê khai hoạt động chăn nuôi đối với các tổ chức, cá nhân theo quy định tại Điều 54, Điều 80 của Luật chăn nuôi; Thông tư 23/2019/TT-BNNPTNT ngày 30/11/2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

- Đăng ký số lượng vắc xin tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đúng thời gian quy định; tổ chức tiêm phòng cho đàn gia súc đạt tỷ lệ cao, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, đúng thời gian quy định.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát dịch bệnh trên địa bàn; thường xuyên nắm chắc tình hình sản xuất chăn nuôi và dịch bệnh ở địa phương; Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện tăng cường thực hiện công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, đặc biệt lưu ý các tháng cuối năm khi lượng gia súc, gia cầm được chuyên chở và giết mổ với số lượng lớn. Yêu cầu các hộ chuyên mua bán, giết mổ gia súc phải ký cam kết không mua bán, giết mổ gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, không có giấy kiểm dịch hoặc mắc bệnh. Đối với các trường hợp vi phạm, kiên quyết thu giữ phương tiện vận chuyển, tang vật, lập biên bản và báo cáo ngay với UBND huyện để có biện pháp xử lý kịp thời.

- Khuyến cáo người dân mua vắc xin và vật tư nông nghiệp tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh đủ điều kiện, có uy tín trên thị trường

- Thực hiện nghiêm túc báo cáo kết quả phát triển sản xuất chăn nuôi và kết quả phòng, chống dịch bệnh động vật hằng tháng, quý, năm và đột xuất theo quy định; khi có dịch báo cáo hàng ngày về UBND huyện (Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện).

5. Người chăn nuôi

- Tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi phải thực hiện kê khai với Ủy ban nhân dân cấp xã, thị trấn theo quy định tại Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT về Hướng dẫn một số điều của Luật chăn nuôi về hoạt động chăn nuôi.

- Tuân thủ và thực hiện các quy định về chăn nuôi, thú y theo quy định của Luật Chăn nuôi, Luật Thú y,… và các văn bản hướng dẫn Luật có liên quan, các quy định của chính quyền địa phương và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Chấp hành việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện hoạt động chăn nuôi, thú y của cơ quan quản lý chuyên ngành theo quy định.

Trên đây là Kế hoạch phát triển sản xuất chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2021, UBND huyện yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung trên. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc phản ánh về UBND huyện (qua Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện) để chỉ đạo, giải quyết kịp thời./.

Nơi nhận:

- Chủ tịch, PCT UBND huyện;

- Ban chỉ đạo huyện và tổ công tác;

- Các cơ quan, đơn vị liên quan;

- UBND các xã, thị trấn;

- Lưu: VT.

KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH

Đào Văn Soái


TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ QUẢNG NGHIỆP - HUYỆN TỨ KỲ

Trưởng Ban Biên tập: Ông Vũ Chí Mạnh - Chủ tịch UBND xã

Địa chỉ: xã Quảng Nghiệp, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương

Điện thoại: 0979872067

Email: vuchimanh@haiduong.gov.vn

Số lượt truy cập
Đang truy cập: 0
Hôm nay: 1
Tháng này: 6,433
Tất cả: 125,944