CHÍNH TRỊ-KINH TẾ
Doanh nghiệp trong huyện nỗ lực ổn định sản xuất, đảm bảo việc làm cho người lao động.
18/12/2022 08:44:02

Hiện nay các doanh nghiệp trên địa bàn huyện đang phải đối diện rất nhiều khó khăn, khi nhu cầu tiêu thụ trên thế giới và trong nước sụt giảm nghiêm trọng, lượng tồn kho tăng cao. Giữ ổn định sản xuất, đảm bảo việc làm cho người lao động đang là thách thức rất lớn, đòi hỏi sự nỗ lực của các doanh nghiệp, sự đồng cảm, chia sẻ và sát cánh của người lao động để cùng nhau vượt qua khó khăn.

Chị Đào Thị Thúy, ở xã Chí Minh là công nhân của Công ty TNHH Diamond Clothing, thị trấn Tứ Kỳ từ nhiều năm nay. Nếu ở thời điểm này những năm trước, chị Thúy và nhiều lao động khác hăng say tăng ca để có thêm thu nhập, lo toan một cái Tết đầm ấm, đầy đủ cho gia đình nhưng năm nay do công ty đơn hàng hạn chế nên việc tăng ca bị cắt giảm khiến cho nhiều lao động như chị Thúy không khỏi chật vật. Ông Phạm Văn Hoàn, Phó giám đốc công ty Diamond Clothing cho biết: Từ tháng 6/2022, theo báo cáo của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, do ảnh hưởng bởi hậu COVID-19, số lượng hàng may mặc tồn kho chiếm tới 40%. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp may mặc trong nước như công ty ông. Nếu như những năm trước, cứ 6 tháng, Công ty ký đơn hàng 1 lần, đủ để người lao động làm việc trong 6 tháng, thậm chí là dài hơi hơn thì từ vài tháng trở lại đây, việc ký đơn hàng rất nhỏ giọt, chỉ đủ để cầm cự, duy trì việc làm và giữ chân người lao động trong khoảng thời gian ngắn. Theo tính toán, phải hết tháng 2/2023, tình trạng này mới có thể được cải thiện. Hiện công ty đã phải giảm giờ làm của người lao động, tuy nhiên đó cũng là giải pháp để duy trì việc làm cho hơn 200 người lao động và cũng là ổn định sản xuất của doanh nghiệp.

Trước khó khăn chung, Công đoàn Công ty TNHH Diamond Clothing đã tuyên truyền để người lao động hiểu, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Đồng thời, Công đoàn cũng tích cực tham mưu với Ban giám đốc duy trì các chế độ thưởng Tết cho người lao động như mọi năm, duy trì chương trình tặng quà,… để phần nào chia sẻ khó khăn với người lao động. Đây cũng là hoạt động thiết thực để tri ân, khuyến khích người lao động tiếp tục gắn bó, sát cánh cùng doanh nghiệp đi qua khó khăn, từng bước ổn định sản xuất, kinh doanh.

Còn với những doanh nghiệp FDI như Công ty TNHH For Unique Việt Nam xã Cộng Lạc hiện có 200 lao động. Trong vài năm qua, cũng như nhiều doanh nghiệp khác, Công ty cũng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Riêng 2 tháng vừa qua, Công ty gặp khó khăn do thiếu đơn hàng để sản xuất. Tuy nhiên, thay vì tạm dừng sản xuất chờ nguyên liệu đơn hàng, Công ty đã năng động tìm kiếm đơn hàng nội địa, kết nối với các khách hàng ngoại. Nhờ đó, vẫn duy trì được việc làm cho người lao động.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Duyên, chủ tịch công đoàn công ty cho biết: Về phía doanh nghiệp, việc cắt giảm nhân sự hay giờ tăng ca là chuyện "cực chẳng đã". Thực tế thì không doanh nghiệp nào muốn cắt giảm lao động vì những khó khăn, ngưng trệ trong sản xuất, kinh doanh hiện nay chỉ là tình huống trước mắt. Tới đây, khi tình trạng này được cải thiện, doanh nghiệp có đơn hàng lớn, lúc ấy mới xoay sở tìm lao động thì không kịp trở tay. Vì vậy, dẫu có đang thiếu đơn hàng, doanh nghiệp vẫn cố gắng giữ chân người lao động và sẵn sàng cho các đơn hàng mới.

Theo tổng hợp từ Liên đoàn Lao động huyện, hiện nay các doanh nghiệp trong huyện chủ yếu là phải cắt giảm giờ làm tăng ca của công nhân để ổn định sản xuất, không có doanh nghiệp nào phải cắt giảm lao động và ngừng sản xuất. Những doanh nghiệp phải cắt, giảm giờ làm tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động phổ thông, thời vụ.

Nguyên nhân của việc cắt, giảm giờ làm là bởi hiện tại tình hình kinh tế trong khu vực và thế giới có nhiều biến động, một số doanh nghiệp không nhập được nguyên, vật liệu nên ảnh hưởng đến tình hình sản xuất. Nhiều doanh nghiệp chỉ duy trì đơn hàng đến hết năm 2022, chưa ký được đơn hàng mới cho năm 2023. Ông Nguyễn Quốc Cường, chủ tịch LĐLĐ huyện cho biết: Mặc dù khó khăn về đơn hàng song đa số các doanh nghiệp đều nỗ lực duy trì việc làm, giữ chân người lao động. Các doanh nghiệp đã thực hiện phương án cho người lao động nghỉ phép năm, nghỉ luân phiên. Trước thực tế này, LĐLĐ huyện đã chỉ đạo các cấp công đoàn nắm tình hình việc làm, tình hình công nhân lao động tại các doanh nghiệp trực thuộc quản lý. Từ đó, tuyên truyền để công nhân chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Các cấp công đoàn cũng tăng cường tổ chức các cuộc đối thoại, thương lượng, kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh ngay từ cơ sở... Đồng thời, phối hợp với người sử dụng lao động quan tâm bố trí để người lao động luân phiên làm việc, trả lương đúng quy định và đóng bảo hiểm đầy đủ. Ngoài ra, LĐLĐ huyện cũng chỉ đạo, hướng dẫn công đoàn cơ sở theo dõi tình hình đơn hàng, giảm giờ làm, cắt giảm lao động, nợ lương, nợ BHXH tại các doanh nghiệp... để báo cáo về công đoàn cấp trên, kịp thời phối hợp giải quyết khi có vấn đề phát sinh về quan hệ lao động.

Nguyễn Hoàng

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ QUẢNG NGHIỆP - HUYỆN TỨ KỲ

Trưởng Ban Biên tập: Ông Vũ Chí Mạnh - Chủ tịch UBND xã

Địa chỉ: xã Quảng Nghiệp, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương

Điện thoại: 0979872067

Email: vuchimanh@haiduong.gov.vn

Số lượt truy cập
Đang truy cập: 1
Hôm nay: 1
Tháng này: 6,438
Tất cả: 125,949