Những
năm gần đây, với nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ thì việc đưa máy cấy
vào đồng ruộng ở một số địa phương trên địa bàn huyện đã từng bước góp
phần đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, giúp giải phóng
sức lao động, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và nâng cao hiệu quả
sản xuất cho người nông dân.
Đây
là năm thứ 2 nông dân xã Văn Tố đưa máy cấy xuống đồng ruộng nên hình
ảnh chiếc máy cấy không còn xa lạ với người dân nơi đây. Ông Trần Đình
Lâm, ở thôn Mỹ Ân, xã Văn Tố cho biết: "Trước đây cứ đến vụ cấy, tôi rất
lo lắng, sốt ruột vì tìm thuê người cấy rất khó khăn, chi phí lại cao,
phải vất vả nhổ mạ. Nếu thuê cấy một sào lúa bằng tay hiện nay trung
bình khoảng 300 nghìn đồng, chưa kể tiền mua giống, công chăm sóc mạ.
Nay chuyển sang sử dụng mạ khay, cấy bằng máy, chi phí và công lao động
giảm đi nhiều.Cấy bằng máy chỉ mất khoảng 20 phút/sào. Mặt khác, cấy
bằng máy rất thuận tiện cho việc chăm sóc; lúa ít bị sâu bệnh; tiết kiệm
thời gian, giải phóng sức lao động. Từ kết quả đạt được, vụ mùa này,
gia đình tôi tiếp tục cấy bằng máy với diện tích 20 ha”.
Xã
Văn Tố hiện nay đã trở thành một trong những địa phương đi đầu trong
huyện về áp dụng máy cấy vào đồng ruộng. Vụ chiêm xuân vừa qua, toàn xã
có 40 ha lúa cấy bằng máy và 30 hộ dân tham gia với các giống lúa BC15,
PHT3... Thực tế, máy cấy được đưa vào đồng ruộng đã làm thay đổi căn bản
suy nghĩ, cách làm của người nông dân Văn Tố. Các vùng sản xuất bằng
máy cấy đều theo hướng tập trung, cùng giống, cùng trà. Tham gia mô hình
cấy lúa bằng máy nông dân xã Văn Tố còn được hỗ trợ khoảng 30% tiền
công cấy.
Hiện
nay, toàn huyện mới chỉ có 3 máy cấy ở các xã Dân Chủ, Minh Đức và Văn
Tố. Trong những năm qua, nhận thấy cơ giới hóa trong nông nghiệp là
hướng đi tất yếu hướng đến nền nông nghiệp hiện đại nên huyện đã có cơ
chế hỗ trợ hợp lý, kịp thời khuyến khích nông dân đưa máy móc vào đồng
ruộng, đặcbiệt là đẩy mạnh việc đưa máy cấy vào sản xuấtlúa. Vụ chiêm
xuân vừa qua, huyện triển khai mô hình cấy lúa bằng máy ở 7 xã, gồm mô
hình trình diễn cấy lúa bằng máy, quy mô từ 3-4 ha tại các xã Tân Kỳ, An
Thanh, Bình Lãng; cấy máy mở rộng, quy mô từ 10 ha trở lên tại các xã
Minh Đức, Phượng Kỳ, Văn Tố, Quang Trung. Để tăng cường ứng dụng cơ giới
hóa vào khâu này, huyện hỗ trợ các hộ dân khoảng 50% tiền công đối với
mô hình trình diễn cấy lúa bằng máy; khoảng 30% đối với mô hình cấy máy
mở rộng.
Theo
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, qua thực tế sản xuất
so với cấy thủ công cho thấy, với cây lúa cấy máy nhanh bén rễ, hồi
xanh, đẻ nhánh khỏe. Một ưu điểm nổi bật nữa, lúa cấy máy thưa hàng hấp
thụ ánh sáng tốt, khỏe và hạn chế rất nhiều sâu, bệnh, giảm 30% số lần
phun thuốc bảo vệ thực vật giúp bảo vệ môi trường. Năng suất lúa cấy máy
qua các vụ sản xuất đạt cao hơn từ 10- 15% so với cấy thủ công. Đặc
biệt, việc sử dụng máy cấy trong sản xuất nông nghiệp còn góp phần nâng
cao năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất. Đối với chi phí cấy máy
hợp lý, ở mức khoảng 250 nghìn đồng/sào bao gồm cả chi phí giống, gieo
mạ và cấy máy. Trong khi hiện nay để thuê cấy thủ công ở mức 300 nghìn
đồng/ngày trở lên, nhiều địa phương công cấy thủ công lên đến 400 nghìn
đồng/ngày. Trong khi đó, người dân vẫn phải chi phí tiền giống, công
gieo, chăm sóc, nhổ mạ ra ruộng cấy. Ngoài ra, việc sử dụng máy cấy
trong sản xuất nông nghiệp còn giúp các địa phương khắc phục tình trạng
thiếu lao động do quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động đang diễn ra
mạnh mẽ ở khu vực nông thôn và tình trạng bỏ ruộng, hình thành diện tích
sản xuất lúa tập trung.
Để mở rộng diện tích sử dụngcấy máy, tạo sự liên kết và từng
bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp, hiện nay huyện
đang tích cực chỉ đạo các địa phương thực hiện tích tụ đất đai, xây dựng
các cánh đồng mẫu lớn. Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng,
kiên cố hóa kênh mương nội đồng, tạo điều kiện thuận lợi đưa máy móc vào
phục vụ sản xuất, từng bước hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa tập
trung, tăng thu nhập cho người sản xuất, khắc phục tình trạng người dân
bỏ ruộng ngày càng nhiều do sản xuất lúa kém hiệu quả. Khuyến khích
người dân đăng ký diện tích cấy máy, tăng cường tổ chức tập huấn, chuyển
giao khoa học kỹ thuật và tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp của địa
phương.
Có
thể nói, việc ứng dụng mô hình cấy lúa bằng máy là một bước tiến trong
chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, góp phần tích cực vào
thực hiện chủ trương đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Không chỉ
góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân mà còn góp phần
bảo vệ môi trường, như giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm trên
đồng ruộng. Từng bước giúp cho nông dân thay đổi tập quán sản xuất lúa
nhỏ lẻ, manh mún, tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất lao
động, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Nguồn: Đài PT Tứ Kỳ