TỔNG QUAN
Giới thiệu chung về xã Quảng Nghiệp
09/04/2021 12:00:00

Khái quát tình hình, đặc điểm của địa phương

 1. VỀ LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN, ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ XÃ HỘI, TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA VÀ ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH:

Từ xa xưa, Quảng Nghiệp là một vùng đất sình lầy nhiều sú vẹt, lau sậy… Cùng với thời gian, quá trình kiến tạo của trái đất, phần lục địa được nâng dần lên với sự bồi tụ phù sa của sông Thái Bình, sự khai phá của con người đã hình thành nên vùng đất của quê hương chúng ta tươi đẹp yêu dấu như ngày nay.

Quảng Nghiệp có con người về đây mở đất lập làng từ rất sớm. Lúc đầu chỉ có vài ba chục gia đình mang tính huyết thống, ở rải rác một số nơi, sau đó do nhu cầu của sự sinh tồn, phải đối phó với thiên tai, với giặc dã…họ đã quần tụ lại lập thành xóm, thành làng.

Những di sản văn hoá vật chất còn tồn tại đến kháng chiến chống Pháp như đình, chùa, đền, miếu… cho thấy Quảng Nghiệp đã có sức sống lâu bền. Đình làng Mạc, đình làng Ngái được xây dựng khang trang từ đời Trần; đình làng Gồm tuy xây dựng sau nhưng to đẹp uy nghi. Chùa, nơi hành đạo của Phật giáo; các bi ký của xã đã ghi: Năm 1675, bà Nguyễn Thị Nội; năm 1703, bà Thái Thị Thiện; năm 1760, bà Nguyễn Thị Te; năm 1774, bà Trương Thị Diệu Phụng; năm 1797, vợ chồng ông Trần Phú Nghĩa đã cung tiến ruộng cho nhà chùa, được bầu hậu. Chứng tỏ Quảng Nghiệp có dân cư về đây sống từ lâu đời và thịnh đạt vào thời nhà Lê.

Quảng Nghiệp có 3 thôn: Thôn Gồm còn gọi là thôn Kiêm Tân, thôn Ngái còn gọi là thôn Mỹ Đức, thôn Mạc còn gọi là thôn An Nghiệp. Cả 3 thôn trước kia gọi là làng, lập thành một xã (nhất xã tam thôn) gọi là xã An Nghiệp thuộc tổng Ngọc Lâm, phủ Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Sau khi giành được chính quyền, tháng 4 năm 1946, thực hiện chủ trương của trên, thôn Bía (còn gọi là thôn Quảng Bí) được hợp nhất với xã An Nghiệp và được đặt tên là xã Quảng Nghiệp. Quảng Nghiệp có nghĩa là an cư lạc nghiệp. Đến tháng 6 năm 1956, một số xã trong huyện lại được điều chỉnh. Thôn Bía nay được tách ra để cùng một số thôn khác lập xã Đại Hợp. Quảng Nghiệp còn 3 thôn như trước đây nhưng tên xã thì không thay đổi.

Quảng Nghiệp có diện tích tự nhiên 364,44 ha, dân số có 1590 hộ và 4807 nhân khẩu (Tháng 10 năm 2020); mật độ 856 người/km2; phía đông giáp xã Đại Hợp, phía tây giáp xã Thống Kênh (huyện Gia Lộc), phía nam giáp xã Hồng Đức và xã Ứng Hòe (huyện Ninh Giang), phía bắc giáp xã Dân Chủ.

Nằm ở phía tây, cách trung tâm huyện lỵ Tứ Kỳ 12 km, Quảng Nghiệp có đường 37A (đường liên tỉnh) chạy từ thành phố Hải Dương qua địa phận xã trên 1,5 km xuống thị trấn Ninh Giang để sang Thái Bình hoặc đi Hải Phòng. Con đường này không những là điểm nối với nhiều con đường giao thông liên thôn, liên xã cho xe cơ giới đi lại dễ dàng, tạo điều kiện cho địa phương phát triển kinh tế và văn hoá mà còn có ý nghĩa chiến lược về quân sự trong tỉnh.

Về đường sông: Quảng Nghiệp có sông Đĩnh Đào nằm về phía Nam xã  ranh giới với huyện Ninh Giang. Đây là con sông được bắt nguồn từ sông Sặt, chảy về sông Tứ Kỳ rồi đổ ra sông Thái Bình. Trước đây khi chưa có xe cơ giới, dòng sông này là nơi thuyền bè vận chuyển hàng hoá đi lại nhiều nơi trong tỉnh và tỉnh bạn.

Quảng Nghiệp là nơi chung cư của trên 20 dòng họ, tuy về sớm, muộn khác nhau, dân số khác nhau, kinh tế và học vấn khác nhau…nhưng qua nghìn năm sinh tồn, phải đối mặt với thiên tai, trộm cướp, giặc dã, đã hun đúc lên truyền thống đoàn kết, cần cù, sáng tạo trong lao động, anh dũng trong đấu tranh chống áp bức bóc lột, chống giặc ngoại xâm và có nếp sống thuần hậu. Nhân dân Quảng Nghiệp là người Kinh, theo đạo Phật. Nghề nghiệp chủ yếu là làm nông nghiệp, sản xuất thủ công, tự cấp tự túc. Từ bao đời nay, sức kéo phục vụ canh tác là trâu, bò, với chiếc cày chìa vôi, chiếc bừa, chiếc cuốc để vỡ đất, cuộc sống của người dân nghèo khổ, lạc hậu.

Trước năm 1956, do chưa có đê Gồm, chưa có hệ thống thuỷ nông, chưa có máy bơm nước nên việc canh tác rất vất vả. Về vụ chiêm, sản xuất nhờ vào nước mưa, nếu nguồn nước không đủ, người nông dân phải dùng gầu giai, gầu sòng hoặc guồng nước để tát từ ao, đầm, từ 2 đến 3 bậc. Nhiều khu đồng cao do không có nước phải bỏ hoang, cỏ mọc um tùm như khu Mả Lao vòng về Quán Ngái. Vụ mùa tuy diện tích canh tác đến 540,4 mẫu nhưng cũng chỉ cấy được khoảng 400 mẫu, nếu lụt muộn thì chỉ cấy được khoảng 300 mẫu vì có nhiều triều trũng. Những giống lúa được gieo cấy như giống lúa ri, cút, chăm, quảng, sài đường…đều là giống lúa năng suất thấp. Bên cạnh các giống lúa phục vụ cho đời sống ăn uống thường ngày, Quảng Nghiệp còn cấy các giống lúa như dự, tám và nếp cái hoa vàng. Đây là các giống lúa gạo thơm ngon, chủ yếu phục vụ ngày giỗ, tết hoặc đem bán với giá cao.

Do canh tác lạc hậu, cấy giống lúa kém năng suất, lại không có phân hoá học, không biết chăm bón đúng kỹ thuật, không có thuốc trừ sâu, trừ chuột nên thu hoạch chỉ bình quân đạt 60 kg thóc/ sào một vụ.

Về cây màu, Quảng Nghiệp trước đây chỉ trồng cây khoai lang, cây ngô để tăng nguồn lương thực, nhưng cũng chỉ có ít diện tích ở khu đồng cao. Cây đỗ, cây vừng và rau các loại tuy có trồng nhưng chỉ tự phát và chỉ để góp phần cải thiện sinh hoạt.

Về môi trường, Quảng Nghiệp có nhiều cá tôm tự nhiên, lại có nhiều khu trú ngụ để sinh sản, nên có rất nhiều loài chim về sinh sống, như vạc, cò, tu hú, chim cu, chim sáo, diều hâu, quạ, vịt trời...làm cho thiên nhiên Quảng Nghiệp vừa phong phú, vừa sinh động.

Ngoài nghề trồng lúa, Quảng Nghiệp còn chăn nuôi gia súc, gia cầm; nuôi trâu, bò để cày kéo, cải thiện và đem bán. tuy chưa phải là sản xuất lớn nhưng cũng là một nếp sống đặc trưng của nông dân, nông nghiệp, nông thôn, để một gia đình tiểu nông có thể duy trì sự tồn tại của mình. Trong cái chung mỗi thôn còn có đặc trưng riêng.

Về nghề thủ công: Thôn Ngái có nghề đan giỏ, thôn Gồm có nghề nuôi tằm dệt vải, thôn Mạc có nghề hàng xáo. Tuy chưa nổi tiếng xa gần và chưa cho thu nhập cao nhưng cũng thể hiện sự vươn lên trong đời sống hàng ngày của người dân Quảng Nghiệp.

 
2. BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH XÃ QUẢNG NGHIỆP:  
 
Các tin mới hơn
Các tin cũ hơn

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ QUẢNG NGHIỆP - HUYỆN TỨ KỲ

Trưởng Ban Biên tập: Ông Vũ Chí Mạnh - Chủ tịch UBND xã

Địa chỉ: xã Quảng Nghiệp, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương

Điện thoại: 0979872067

Email: vuchimanh@haiduong.gov.vn

Số lượt truy cập
Đang truy cập: 0
Hôm nay: 0
Tháng này: 0
Tất cả: 0