TIN TỔNG HỢP KHÁC
HƯỚNG DẪN Các biện pháp kỹ thuật diệt trừ chuột và phòng chống bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn gây hại trên lúa mùa
24/08/2021 04:22:04

Thực hiện công văn số 1138/UBND- DVNN ngày 18/8/2021 của UBND huyện Tứ Kỳ
về việc tăng cường diệt trừ chuột và phòng chống bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn hại lúa mùa
trong thời điểm hiện nay, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đề nghị Ủy ban nhân dân các
xã, thị trấn đôn đốc Ban quản trị HTX DV nông nghiệp phối hợp với Khuyến nông viên cơ sở
phối hợp Đài Truyền thanh, Hội Nông dân xã khuyến cáo, hướng dẫn các tổ đội diệt chuột, các
hộ nông dân thực hiện tốt một số biện pháp kỹ thuật như sau:
1. Đối với công tác diệt trừ chuột.
1.1.Thời điểm tổ chức diệt chuột:
Tập trung tiến hành khi lúa mùa đứng cái, làm đòng -
thấp tho trỗ
(cuối tháng 8 - trung tuần tháng 9).
1.2. Các biện pháp kỹ thuật:
- Biện pháp diệt chuột thủ công: Thường xuyên phát quang bờ, bụi cây, cỏ dại trên gò
đống; lấp vít các lỗ hang nhằm hạn chế nơi trú ngụ và sinh sản của chuột. Dọn vớt bèo trên các
kênh mương và tổ chức săn bắt chuột như: Đào hang, đổ nước, hun khói, quây lưới, đặt bẫy, cạm...
- Biện pháp sinh học: Lợi dụng thiên địch của chuột trong tự nhiên như: Mèo, rắn,…để
diệt chuột. Biện pháp này rất quan trọng vì điều hòa được cân bằng sinh thái trong tự nhiên. Vì
vậy cần quan tâm đặc biệt việc nhân nuôi và bảo vệ đàn mèo trong dân.
- Biện pháp hóa học:
+ Chọn thuốc: Tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục. Chỉ
sử dụng những thuốc diệt chuột nằm trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt
Nam do Bộ Nông nghiệp &PTNT ban hành như: Antimice 3DP, Gimlet 800SP, Cat 0.25WP,
Hicate 0.25WP, Diof 5DP, Racumin 0.75 TP ….
+ Chọn mồi: Tại từng thời điểm khác nhau có thể sử dụng thêm mồi bằng: ốc, củ, quả,..
phù hợp với điều kiện của từng tổ chức, từng cá nhân.
+ Cách ủ mầm và trộn bả: Ngâm thóc khoảng 25 - 30 giờ, sau đó vớt rửa sạch rồi đem ủ
cho đến khi mầm nhú dài từ 2-3mm thì trộn thuốc. Trước khi trộn thuốc nên đem mầm xấp qua
nước, sau đó để ráo rồi mới tiến hành trộn thuốc. Sau khi trộn xong cần phải đem mồi bả đi ủ
tiếp từ 5 - 6 giờ để thuốc ngấm vào bả rồi mới đem đi đánh. Để tạo mùi hấp dẫn cho bả có thể
trộn thêm 0,5- 1,0kg bột bánh đậu xanh hoặc bột thịt, bột cá
(mua từ nhà máy sản xuất thức ăn
chăn nuôi)
vào cùng với 30-50kg bả (khi chuẩn bị mang bả đi đánh mới trộn, trộn xong nên
đánh ngay).
Trước khi tổ chức đặt bả đồng loạt cần theo dõi thời tiết để đảm bảo sau khi đặt bả
từ 3 - 4 ngày trở lên không bị gặp mưa.

*Lưu ý: - Trong giai đoạn lúa làm đòng đến thu hoạch chuột sẽ không thích ăn mồi bả.
Vì vậy cần tăng cường diệt chuột bằng các biện pháp thủ công truyền thống.
- Tuyệt đối không dùng điện dưới mọi hình thức để bẫy, diệt chuột.
2. Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn:
2.1. Bệnh bạc lá:
+
Cách nhận biết bệnh bạc lá: Ban đầu thường mép lá, chóp lá chuyển vàng trước, sau đó
phần chóp hóp lại như mo cau, vết bệnh lan dần vào trong theo đường gợn sóng màu vàng. Khi
phần mô lá nhiễm bệnh nặng, lá bị bạc, khô và xơ xác.
+ Nguyên nhân gây bệnh: Do vi khuẩn Xanthomonas Oryzae theo gió, nước xâm
nhiễm vào lá lúa theo khí khổng và nhất là qua vết thương cơ giới trên lá lúa. Bệnh thường
lây lan gây hại mạnh sau các trận mưa giông. Nguồn bệnh của vi khuẩn bạc lá thường là tồn
tại trong đất, nước, hạt giống lúa và cỏ dại thuộc họ hoà thảo.
+ Cách phòng chống:
- Thường xuyên thăm đồng, phát hiện bệnh sớm phun thuốc xử lý kịp thời.
- Khi ruộng lúa có triệu chứng bệnh phải dừng ngay việc sử dụng phân đạm, phân
bón lá và chất kích thích sinh trưởng, chú ý bón đủ lượng Kali, điều tiết nước phù hợp để
cây lúa sinh trưởng khỏe, tăng sức chống chịu.
- Sử dụng các loại thuốc hóa học sau để phun như:
Staner 20WP, Total 200WP,
Kasumin 2SL, Sasa 20WP, Kamsu 2SL,…
Nồng độ theo hướng dẫn ghi trên bao bì, phun đảm bảo
01 bình 16 - 18 lít/ sào.
(Không phun thuốc tràn lan khi chưa có khuyến cáo của Trung tâm Dịch vụ
nông nghiệp huyện).
- Tại các vùng là ổ bệnh trong nhiều vụ cần phun phòng sớm, nhất là sau đợt mưa
giông, ruộng cấy giống nhiễm bệnh
(BC15, TBR 225, Bắc thơm số 7...), chăm bón mất cân đối,
bón thừa đạm. Bệnh nặng cần phun kép lần 2, cách lần 1 từ 3-5 ngày, nếu phun xong gặp
mưa phải phun lại.
2.2. Bệnh đốm sọc vi khuẩn:
+ Cách nhận biết bệnh đốm sọc vi khuẩn: Là những sọc nhỏ ngắn khác nhau, chạy dọc
theo các gân lá. Lúc đầu vết sọc xanh trong sau chuyển màu nâu, xung quanh có các quầng
vàng. Nếu lá bị nhiều đốm sọc tập trung thì các quầng vàng liên kết nhau làm lá lúa bị vàng và
khô cháy như bệnh bạc lá.
+ Nguyên nhân gây bệnh: Do vi khuẩn Xanthomonas oryzicola Fang. Cách xâm
nhiễm giống như ở bệnh bạc lá.
+ Cách phòng chống: Cách phòng chống bệnh đốm sọc vi khuẩn tương tự như bệnh bạc lá.
Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đề nghị UBND các xã, thị trấn, các đơn vị có
liên quan cùng quan tâm, phối hợp tăng cường khuyến cáo, hướng dẫn các hộ nông dân thực
hiện tốt nội dung trên./.

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ QUẢNG NGHIỆP - HUYỆN TỨ KỲ

Trưởng Ban Biên tập: Ông Vũ Chí Mạnh - Chủ tịch UBND xã

Địa chỉ: xã Quảng Nghiệp, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương

Điện thoại: 0979872067

Email: vuchimanh@haiduong.gov.vn

Số lượt truy cập
Đang truy cập: 0
Hôm nay: 0
Tháng này: 0
Tất cả: 0