TIN TỔNG HỢP KHÁC
Hướng dẫn các biện pháp phòng chống bệnh liên cầu khuẩn trên cá và tình trạng cá bị chết hàng loạt do thiếu dưỡng khí
05/08/2021 03:12:18

Trong những ngày vừa qua, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tiến hành kiểm tra và phát hiện thấy ở nhiều diện tích nuôi thủy sản của hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều có hiện tượng cá bị chết do mắc bệnh liên cầu khuẩn. Đặc biệt, nhiều diện tích nuôi thủy sản có hiện tượng cá bị chết hàng loạt do thiếu dưỡng khí, gây thiệt hại lớn về kinh tế, như ở Tân Kỳ, Đại Sơn, Hưng Đạo, Tái Sơn, Quang Phục, Quang Khải, Hà Thanh, Chí Minh... Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND huyện tại công văn số 1019/UBND- DVNN ngày 02/8/2021 về việc Về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sản xuất ngành thủy sản, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đề nghị UBND xã, thị trấn chỉ đạo Đài Truyền thanh phối hợp với Hội Nông dân xã và Khuyến nông viên cơ sở phổ biến thông tin về hiện tượng cá mắc bệnh liên cầu khuẩn và cá bị chết hàng loạt do thiếu dưỡng khí, đồng thời hướng dẫn, khuyến cáo các hộ nuôi thủy sản trên địa bàn thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật phòng tránh như sau:
1. Các biện pháp phòng tránh hiện tượng cá bị chết hàng loạt do thiếu dưỡng khí: Cá chết do thiếu dưỡng khí (cá chết ngạt) là hiện tượng do hàm lượng oxy hòa tan trong nước xuống thấp dưới ngưỡng chịu đựng của cá dẫn đến hiện tượng cá chết hàng loạt với số lượng lớn.
1.1 . Nguyên nhân: Có rất nhiều nguyên nhân khiến cá bị chết hàng loạt do thiếu dưỡng khí, tập trung chủ yếu ở một số nguyên nhân sau:
- Do mật độ nuôi thâm canh cao, cá chuẩn bị vào thời kỳ xuất bán, trọng lượng lớn nên nhu cầu oxy cao nhưng hàm lượng oxy hòa tan của môi trường nước không đáp ứng đầy đủ và kịp thời. - Môi trường nước ao nuôi bị ô nhiễm có nhiều mùn bã hữu cơ, thức ăn dư thừa làm phát sinh nhiều loại khí độc NH3, NO2, H2S, CH4...
- Các loại tảo phát triển quá mức lấy mất nhiều oxy trong nước về ban đêm.
- Thời tiết nóng, thay đổi thất thường cũng sẽ khiến lượng oxy trong nước giảm thấp hơn so với điều kiện thời tiết bình thường.
- Các loại máy sục khí, quạt nước không đủ công suất thích hợp với diện tích ao nuôi, hoặc bị trục trặc kỹ thuật mà không được phát hiện và xử lý kịp thời.
1.2. Biểu hiện khi cá bị thiếu dưỡng khí:
- Khi hàm lượng oxy trong nước giảm thấp dưới ngưỡng chịu đựng của cá (<3mg/lit), cá thường nổi lên mặt nước để hô hấp gọi là hiện tượng cá nổi đầu. Nếu thiếu dưỡng khí 2 trầm trọng hoặc kéo dài, cá sẽ nổi đầu nhiều, cơ thể trở lên nhạt màu hơn, bơi chậm chạp, mệt lờ đờ, mất phương hướng, nếu không có biện pháp xử lý kịp thời thì tỷ lệ chết rất cao, thậm chí chết toàn bộ cá trong ao nuôi. Thông thường, nếu hiện tượng cá nổi đầu ở thời điểm trước rạng đông thì mức độ thiếu dưỡng khí là tương đối nhẹ. Nếu số lượng cá trong ao nổi đầu nhiều, tập trung từ nửa đêm đến 8- 9 h sáng thì mức độ thiếu dưỡng khí là trầm trọng.
1.3. Biện pháp khắc phục:
- Các hộ nuôi thủy sản, nhất là những hộ có nhiều diện tích nuôi thâm canh cần đầu tư trang bị đầy đủ hệ thống quạt nước, máy phát điện dự phòng, máy bơm xăng trong trường hợp gặp sự cố như mất điện, trục trặc máy móc..., đồng thời đảm bảo vận hành đúng quy trình kỹ thuật, đúng thời điểm.
- Thường xuyên kiểm tra ao nuôi, nhất là vào ban đêm. Cần tăng cường kiểm tra ao nuôi khi điều kiện thời tiết nắng nóng, thay đổi thất thường (có mưa rào, giông gió...), đặc biệt chú ý kiểm tra những ao cá thịt đã đến giai đoạn xuất bán, đảm bảo thường xuyên cho sục khí hằng ngày kéo dài khoảng 4- 6 h/ngày đêm, nhất là vào thời điểm lúc 2 h - 4 h sáng.
- Nếu phát hiện cá nổi đầu nhiều, cần tăng cường thời gian vận hành máy quạt nước, sục khí, bơm nước để tăng lượng oxy hòa tan. Thời gian vận hành đảm bảo kéo dài khoảng 8- 10 h/ngày đêm.
- Nếu trường hợp thiếu dưỡng khí trầm trọng, tỷ lệ cá nổi đầu nhiều (trên 70%), cá có biểu hiện mệt lờ đờ, chậm chạp, phản ứng chậm với tiếng động bên ngoài, màu sắc cơ thể nhạt hẳn đi, giạt vào bờ nhiều, bên cạnh việc tăng cường sục khí khoảng 15- 17h/ngày đêm cần kết hợp sử dụng ngay các loại chế phẩm tăng cường oxy cho nước ao nuôi để xử lý hiện tượng cá bị ngạt. Có thể dùng một số loại chế phẩm phổ biến sau: + Nova- Oxygen, Pond Oxy...với liều lượng 1,0- 1,5 kg/1.000 m3 nước ao. + Oxy bột- oxy viên Sodium percarbonate với liều lượng 1- 2 kg/1000 m3 . + Super Oxygen, Oxy- Superlier Gold với liều lượng 1- 2 kg/1000 m3 .
- Điều chỉnh lượng thức ăn thô xanh hợp lý cho từng loại cá, từng giai đoạn phát triển. Thường xuyên kiểm tra lượng thức ăn thô xanh dưới đáy ao, nếu dư thừa phải thu vớt triệt để lên bờ, tránh bị phân hủy dưới đáy ao. Những ngày nhiệt độ cao trên 350C, chất lượng nước ao xấu hoặc ao có dấu hiệu cá nổi đầu nhiều, dừng thức ăn thô xanh, giảm 2/3 lượng thức ăn tinh hoặc dừng hẳn trong 2-3 ngày, sau khi xử lý cho môi trường nước ao ổn định mới tiếp tục cho cá ăn theo khẩu phần hằng ngày. Tăng cường sức đề kháng cho cá bằng cách bổ sung chế phẩm Vitanmin C (như C-1500- EFF, Nova- C...), bổ sung men tiêu hóa trộn vào thức ăn trong thời gian 3 ngày liên tục/15 ngày. Không để phân gia súc, gia cầm thải trực tiếp xuống ao nuôi. Nếu mật độ cá trong ao quá dầy, có thể tiến hành san bớt sang ao nuôi khác để đảm bảo mật độ nuôi hợp lý trong ao.
- Nên sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý đáy ao để kiểm soát các vi sinh vật trong ao và phân hủy các chất hữu cơ dư thừa tích tụ dưới đáy ao, tăng cường hàm lượng ô xy, loại bỏ khí độc (NH3, NO2, H2S, CH4...) và ổn định độ pH cho ao. Để cải tạo và làm sạch môi trường ao nuôi, cần định kỳ xử lý bằng chế phẩm sinh học 2 lần/tháng, như chế phẩm EM, Baczyme, Biof, BioTECH...(sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất ghi trên bao bì).
3 - Đảm bảo mực nước trong ao sâu từ 1,5 - 2m để giảm bớt hiện tượng sốc nhiệt do chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm. Thường xuyên duy trì mực nước từ 1,2 m trở lên đối với ao nuôi cá giống; 1,5 m trở lên đối với ao nuôi cá thịt. Nên định kỳ mỗi tháng thay 30- 50% lượng nước trong ao bằng nguồn nước sạch, đảm bảo an toàn để cải thiện môi trường ao nuôi.
2. Biện pháp phòng, trị bệnh liên cầu khuẩn trên cá:
2.1. Nguyên nhân gây bệnh: Đặc điểm của bệnh liên cầu khuẩn là do vi khuẩn Streptococcus iniae và Streptococcus agalactiae xâm nhập và gây bệnh trên cá rô phi bố mẹ và cá rô phi có trọng lượng từ 50- 300 gr. Nhiệt độ thích hợp cho bệnh liên cầu khuẩn trên cá rô phi phát triển là từ 250C - 350C, trong đó phát triển mạnh nhất khi nhiệt độ nước trên 300C. Những ao có tỷ lệ cá chết cao là những ao ô nhiễm và giàu chất hữu cơ, ao nuôi mật độ cao trong thời gian dài. Tỷ lệ chết do bệnh liên cầu khuẩn có thể lên tới 80% trong thời gian ngắn, tuy nhiên khi nhiệt độ xuống thấp tỷ lệ chết lại giảm.
2.2. Triệu chứng và bệnh tích của bệnh:
- Do vi khuẩn gây bệnh có hướng tấn công vào hệ thống thần kinh trung ương của cá nên cá bị bệnh sẽ có biểu hiện triệu chứng vận động chậm chạp, bơi mất phương hướng. Cá yếu, bơi lờ đờ trên mặt nước, cơ thể tối màu, một số cá bị bệnh nặng bơi nghiêng mình trên mặt nước và quay tròn sau đó bị chết.
- Giải phẫu cá thấy có bệnh tích: Mắt cá bị lồi một bên và trên mắt kéo một lớp màng màu trắng đục. Trong nắp mang bị xuất huyết, có màu đỏ nhưng không có mùi tanh thối, hậu môn sưng đỏ. Xoang bụng chứa nhiều dịch, ruột xuất huyết và chứa các bọt khí. Gan, thận, lá lách, mật sưng to và có dấu hiệu hoại tử.
2.3. Biện pháp phòng bệnh:
- Sau mỗi một chu kỳ nuôi cần tuân thủ quy trình cải tạo ao nuôi như sau: Tháo cạn nước, vét bớt bùn chỉ để 10 - 15 cm; bón vôi đều khắp ao 10 - 15 kg/100 m2 ; phơi đáy ao khô 7 - 10 ngày; cấp nước vào ao nuôi 50 - 60 cm; gây màu nước cho ao nuôi trước khi thả giống.
- Nguồn nước cấp phải sạch, nước phải qua lưới lọc nhuyễn để tránh các loại côn trùng, cá tạp, cá tự nhiên vào ao nuôi. Trước khi đưa cá giống xuống ao tắm cho cá trong dung dịch muối (NaCl) với nồng độ 2- 3% trong thời gian 7-10 phút. - Định kỳ 2 lần/tháng khử trùng nước ao nuôi bằng các loại thuốc khử trùng như: BKC, Iodin, Superclo..., sau khi sử dụng hóa chất khử trùng từ 7- 10 ngày mới sử dụng các loại chế phẩm sinh học, men vi sinh như: Bio-zeo, EM, Baczyme...giúp làm sạch đáy ao, tạo môi trường nước trong sạch giúp cá phát triển tốt, hạn chế bệnh dịch. - Tăng cường sức đề kháng cho cá bằng cách bổ sung vitamin C, men tiêu hóa trộn vào thức ăn trong thời gian 3 ngày liên tục/15 ngày.
- Việc thay nước ao nuôi hoặc cấp bổ sung cần đảm bảo nguồn nước sạch, an toàn dịch bệnh, đặc biệt trong những thời điểm nhạy cảm dễ phát sinh bệnh (tháng 6,7 hàng năm) nhằm đảm bảo an toàn sinh học cho ao nuôi, tránh nhiễm bệnh từ môi trường bên ngoài.
- Giảm nhiệt độ của nước: Khi nhiệt độ nước cao dễ gây strees làm giảm sức đề kháng của cá và là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển gây bệnh. Có thể dùng bèo thả 4 trên 10- 15% diện tích mặt bề mặt ao để giúp cá tránh nóng. Sử dụng máy quạt nước vào ban đêm cũng là cách làm giảm nhiệt độ và tăng lượng ôxy hòa tan trong nước. 2.4. Điều trị khi cá bị nhiễm bệnh: Khi phát hiện cá bị mắc bệnh liên cầu khuẩn cần tuân thủ phác đồ điều trị sau:
- Thực hiện thu gom cá bị nhiễm bệnh, vớt xác cá chết đem chôn, không vứt bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, làm lây lan dịch bệnh.
- Giảm cho ăn: Trong thời gian dịch bệnh bùng phát ở giai đoạn cấp tính nên giảm một phần thức ăn hoặc giảm hoàn toàn thức ăn có thể giúp kiểm soát và giảm tỷ lệ tử vong. - Sát khuẩn nước bằng các loại thuốc khử trùng như: BKC, TCCA..., sử dụng 2-3 lần, mỗi lần cách nhau 1-2 ngày, liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Sử dụng các loại kháng sinh dòng: Amoxciline, Flophenicol, Doxycyline trộn vào cám với liều 30-50 mg thuốc/kg cá/ngày, liệu trình từ 5-7 ngày. - Bổ sung thêm vitamin C nhằm tăng sức đề kháng, giải nhiệt, giải độc cho cá.
- Sau khi sử dụng kháng sinh dùng giải độc gan thận Body guard. - Có thể dùng tỏi xay nhuyễn trộn với liều lượng 1kg cho 10 kg thức ăn và cho cá ăn liên tục 3- 5 ngày liên tục, một tháng cho cá ăn 1- 2 lần.
- Trong quá trình điều trị cần lưu ý các biện pháp làm mát và tăng lượng oxy hòa tan trong nước bằng cách sử dụng quạt nước thường xuyên mới mang lại hiệu quả điều trị cao.
3. Để tránh dùng vào hàng giả, hàng kém chất lượng trôi nổi trên thị trường, các loại thuốc phòng trừ bệnh, các chế phẩm xử lý môi trường ao nuôi, đáy ao, các hộ nuôi thủy sản nên liên hệ với các cửa hàng, đại lý có uy tín trên địa bàn huyện để được tư vấn, hỗ trợ về kỹ thuật (như Đại lý thuốc của Công ty TNHH Xuyên Việt tại xã Dân Chủ, cửa hàng tại Phòng giao dịch số 3- HTX thủy sản Xuyên Việt tại Thị tứ Hưng Đạo...)

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ QUẢNG NGHIỆP - HUYỆN TỨ KỲ

Trưởng Ban Biên tập: Ông Vũ Chí Mạnh - Chủ tịch UBND xã

Địa chỉ: xã Quảng Nghiệp, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương

Điện thoại: 0979872067

Email: vuchimanh@haiduong.gov.vn

Số lượt truy cập
Đang truy cập: 0
Hôm nay: 0
Tháng này: 0
Tất cả: 0