Theo phong tục tập quán của dân tộc ta, từ xưa đến nay lễ cưới, lễ tang chính là biểu hiện nếp sống văn hóa của mỗi gia đình, của cộng đồng và toàn xã hội.
Từ bao đời nay việc tổ chức lễ cưới, lễ tang vừa kế thừa truyền thống phong tục, tập quán, mang bản sắc riêng của dân tộc, vừa được cách tân ngày càng vǎn minh theo sự phát triển của thời đại. Tuy nhiên, từ phong tục, tập quán trở thành thói quen trong suy nghĩ của mỗi người, mỗi gia đình; Nhiều năm qua, không ít nơi vẫn còn nhiều thủ tục nặng nề, khi gia đình có việc cưới, việc tang đều tổ chức ăn uống linh đình, dài ngày, kèm theo nhiều hủ tục lạc hậu gây tốn kém, lãng phí thời gian, tiền bạc. Một số đám cưới, đám tang có xu hướng phô trương, vụ lợi. Đặc biệt, cũng có hiện tượng cờ bạc trá hình trong đám cưới, đám tang làm mất trật tự an ninh. Những tác động tiêu đã làm ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa thanh lịch của cộng đồng xã hội, không còn phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay.
Năm 2018, UBND xã Quảng Nghiệp đã ban hành Quy chế Quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, Quy chế quy định cụ thể như sau:
Nguyên tắc trong tổ chức việc cưới, việc tang:
- Không trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc; không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan.
- Không lợi dụng việc cưới, việc tang để hoạt động nhằm chia rẽ đoàn kết dân tộc, gây mất đoàn kết trong cộng đồng, dòng họ và gia đình.
- Không làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông và trật tự, an toàn công cộng.
- Không tổ chức hoặc tham gia đánh bạc dưới mọi hình thức.
*Trong việc cưới:
- Thực hiện các thủ tục kết hôn theo đúng quy định của pháp luật; trao - nhận giấy đăng ký kết hôn tại UBND xã.
- Tổ chức lễ cưới tại gia đình hoặc tại địa điểm cưới:
+ Đảm bảo trang trọng, tiết kiệm, vui tươi, lành mạnh, phù hợp với phong tục, tập quán, truyền thống văn hoá của địa phương, dân tộc và phù hợp với hoàn cảnh của hai gia đình;
+ Các thủ tục chạm ngõ, ăn hỏi, rước dâu cần được tổ chức theo phong tục, tập quán; không phô trương hình thức, rườm rà; không nặng về đòi hỏi lễ vật;
+ Địa điểm cưới do hai gia đình lựa chọn; chỉ mời khách dự tiệc cưới trong phạm vi gia đình, họ tộc thân thích, bạn bè và đồng nghiệp thân thiết;
+ Tổ chức tiệc cưới phù hợp với hoàn cảnh gia đình, tránh phô trương, lãng phí;
+ Trang trí lễ cưới cần giản dị, không rườm rà, phô trương; trang phục cô dâu, chú rể đẹp và lịch sự, phù hợp với văn hoá dân tộc
+ Âm nhạc trong đám cưới phải lành mạnh, vui tươi; âm thanh đảm bảo không vượt quá độ ồn cho phép; không mở nhạc trước 06 giờ sáng và sau 22 giờ đêm.
- Khuyến khích:
+ Dùng hình thức báo hỷ thay cho giấy mời dự lễ cưới, tiệc cưới;
+ Hạn chế tổ chức tiệc cưới linh đình, chỉ tổ chức tiệc trà, tiệc ngọt trong lễ cưới;
+ Không sử dụng thuốc lá trong đám cưới;
+ Cô dâu, chú rể và gia đình mặc trang phục truyền thống hoặc trang phục của dân tộc mình trong ngày cưới.
*Trong việc tang:
- Khi có người qua đời, gia đình hoặc người thân phải trình báo với tiểu ban tang lễ ở các thôn và làm thủ tục khai tử theo đúng quy định.
- Địa điểm tổ chức Lễ tang do gia đình có người qua đời cùng với trưởng Tiểu ban lễ tang (hoặc Ban tang lễ) quyết định, tổ chức tại nhà hoặc tại địa điểm công cộng.
- Tổ chức lễ tang:
+ Từ khi qua đời, tổ chức khâm niệm, nhập quan, tổ chức lễ tang đến khi đưa tang, không để kéo dài quá 36 giờ, để đảm bảo sức khỏe và vệ sinh môi trường.
+ Người qua đời phải được chôn cất trong nghĩa trang nhân dân theo sự hướng dẫn của trưởng thôn đảm bảo theo quy định: hung táng là 4.m2 / phần mộ; Hỏa táng và cải táng 1,5m2/ phần mộ.
+ Việc mặc trang phục đám tang, treo cờ tang do Tiểu ban và người thân thực hiện theo truyền thống của địa phương;
+ Cấm rải tiền của Ngân hàng nhà nước phát hành và hạn chế tối đa việc rắc vàng mã trên đường đưa tang, nên đốt theo từng đoạn đường.
+ Không sử dụng thuốc lá trong đám tang. Không mở nhạc tang trước 05 giờ sáng mùa hè, 06 giờ sáng mùa đông và sau 22h giờ đêm.
+ Không thuê khóc kèn khóc thuê và các hủ tục mê tín lạc hậu khác trong quá trình tổ chức lễ tang như: yểm bùa, trừ tà, lăn đường, luồn cữu, gọi hồn.
+ Trong thời gian tổ chức lễ viếng phải đảm bảo trang trọng nhưng không rườm rà. Gia đình có trách nhiệm chuẩn bị các nội dung theo yêu cầu của Tiểu ban (Ban) Tang lễ.
+ Việc tổ chức lễ truy điệu và đọc lời điếu do Tiểu ban phân công, nhưng gắn trách nhiệm với các tổ chức đoàn thể có đoàn viên, hội viên.
- Khuyến khích:
+ Việc cúng ba ngày, bảy ngày, bốn chín ngày, một trăm ngày, giỗ đầu, giỗ hết, cải táng chỉ thực hiện trong ngày và nên tổ chức trong nội bộ gia đình, dòng họ;
+ Thực hiện hình thức hoả táng và chôn cất vào khu vực nghĩa trang đã được quy hoạch;
+ Sử dụng băng, đĩa nhạc tang thay cho đội nhạc tang.
Kính thưa các đồng chí cán bộ, đảng viên cùng toàn thể nhân dân!
Qua thực tế có thể khẳng định rằng, việc thực hiện việc cưới, việc tang theo nếp sống văn hóa, văn minh đã thực sự đi vào cuộc sống, có ý nghĩa thiết thực trong việc định hướng giữ gìn bản sắc văn hóa, truyền thống tập quán tốt đẹp của dân tộc, đồng thời có giá trị thực tiễn đối với cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình, là cơ sở nền tảng để xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển phấn đấu xây dựng xã Quảng Nghiệp đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Do vậy, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân cần phát huy vai trò gương mẫu, trách nhiệm, tự giác hưởng ứng thực hiện việc cưới, việc tang theo nếp sống văn hóa, văn minh./.