Theo phản ánh từ các địa phương, hiện nay, tại các khu chuyển đổi nuôi thả thủy sản tập trung và các ao trong khu dân cư có hiện tượng cá nuôi bị mắc bệnh và chết nhiều như ở một số xã: Tái Sơn, Đại Sơn, Tân Kỳ, Dân Chủ, Quảng Nghiệp, Quang Phục, Hưng Đạo, Chí Minh, Tiên Động, Hà Thanh... Qua kiểm tra thực tế của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện cho thấy chủ yếu cá bị bệnh nấm (nấm mang, nấm thủy mi), ký sinh trùng, đặc biệt giống cá chép bị mắc bệnh KHV(Koi Herpesvirus) với tỷ lệ cao. Các loại bệnh dịch đang có nguy cơ phát tán nhanh, lây lan trên diện rộng, có thể gây thiệt hại lớn đối với sản xuất ngành thủy sản nếu không được ngăn chặn, xử lý kịp thời, triệt để.
Trước tình hình trên, để tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sản xuất ngành thủy sản, giảm thiểu những rủi ro, thiệt hại về kinh tế cho người sản xuất, Ủy ban nhân dân huyện hướng dẫn các hộ nuôi thủy sản trên địa bàn thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cụ thể sau đây:
+ Thực hiện tốt các quy trình kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý môi trường nước ao nuôi; tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện sớm dịch bệnh để phòng, trị bệnh đạt hiệu quả cao trong thời điểm hiện nay theo hướng dẫn kỹ thuật của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện.
+ Định kỳ thực hiện việc xử lý môi trường ao nuôi bằng các loại hóa chất khử trùng, thuốc trị các loại nấm bệnh, ký sinh trùng để tiêu diệt các loại mầm bệnh. Tăng cường sử dụng các loại chế phẩm vi sinh xử lý ô nhiễm môi trường ao nuôi. Cần lưu ý kiểm tra, sửa chữa, đầu tư nâng cấp hệ thống sục khí nhằm đảm bảo hoạt động thường xuyên, hiệu quả.
+ Khi thấy hiện tượng cá mắc bệnh cần phải nhanh chóng xử lý kịp thời, không được vứt xác cá xuống kênh, mương và dòng sông làm lây lan bệnh dịch. Các hộ nuôi thuỷ sản khi nhập con giống cần mua ở những cơ sở có uy tín, có địa chỉ, nguồn gốc rõ ràng để tránh mua phải con giống kém chất lượng hoặc bán chạy do đã lây nhiễm dịch bệnh.
+ Thời gian tới sẽ có những đợt mưa rào, cần khuyến cáo các hộ nuôi thủy sản kiểm tra, củng cố lại bờ vùng, cống điều tiết nước để có thể lưu trữ phù hợp lượng nước mưa này cho ao nuôi. Không bơm thay nước sang các ao nuôi khác để hạn chế lây lan bệnh dịch. Đối với những hộ có nhiều ao nuôi nên để 1- 2 ao chuyên dự trữ nước được xử lý sạch trước khi cấp bổ sung cho các ao nuôi khác.