VĂN HÓA-XÃ HỘI
Bài tuyên truyền chào mừng 92 năm Ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam (03/02/1930-03/02/2022)
02/02/2022 12:00:00

I. ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM RA ĐỜI, BƯỚC NGOẶT TO LỚN TRONG LỊCH SỬ CÁCH MẠNG VIỆT NAM

- Giữa lúc dân tộc ta đứng trước cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước, nhiều nhà yêu nước đương thời tiếp tục con đường cứu nước theo lối cũ thì ngày 05/6/1911 người thanh niên Nguyễn Tất Thành (tức là Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh sau này) ra đi tìm đường cứu nước theo phương hướng mới. Với khát vọng cháy bỏng giành độc lập tự do cho dân, cho nước.

- Đầu năm 1919, Nguyễn Tất Thành tham gia Đảng Xã hội Pháp. Tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc được đọc bản “Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa ” của Lênin đăng trên báo Nhân đạo và cũng chính từ đây đã giải đáp cho Người con đường đấu tranh giành độc lập tự do thực sự cho dân tộc, cho đồng bào mình.

- Từ ngày 25 đến 30/12/1920, Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp với tư cách đại biểu Đông Dương. Từ năm 1921-1930, Nguyễn Ái Quốc vừa tiếp tục hoạt động trong Đảng Cộng sản Pháp, nghiên cứu bổ sung và hoàn thiện tư tưởng cứu nước, vừa tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Người tập trung chuẩn bị về tổ chức và cán bộ, lập ra Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên (1925), tổ chức nhiều lớp đào tạo cán bộ tại Quảng Châu, Trung Quốc, đồng thời gửi cán bộ đi học tại trường Đại học Phương Đông (Liên Xô) và trường Lục quân Hoàng Phố (Trung Quốc).

- Đáp ứng những đòi hỏi của thực tiễn cách mạng, ngày 17/6/1929, Kỳ Bộ Bắc Kỳ Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên đã thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng tại Hà Nội. Tháng 11/1929, các đồng chí Tổng bộ và Kỳ Bộ Nam Kỳ của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên quyết định thành lập An Nam Cộng sản Đảng. Ngày 01/01/1930, những đại biểu ưu tú của Tân Việt cách mạng Đảng (một tổ chức tiền thân của Đảng) đã họp và thành lập Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn ở Trung Kỳ. Tuy nhiên ở một nước có tới ba tổ chức cộng sản nên không tránh khỏi sự phân tán về lực lượng và tổ chức, không thể thống nhất về tư tưởng và hành động. Trách nhiệm lịch sử là phải thành lập một Đảng Cộng sản duy nhất, chấm dứt tình trạng chia rẽ phong trào Cộng sản ở Việt Nam.

- Từ ngày 06/01 đến ngày 07/02/1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã họp ở bán đảo Cửu Long thuộc Hồng Kông (Trung Quốc) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc thay mặt cho Quốc tế Cộng sản. Hội nghị đã nhất trí thống nhất các tổ chức cộng sản thành lập một đảng, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị đã thông qua các văn kiện gồm: Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản có ý nghĩa như Đại hội thành lập Đảng.

- Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9/1960) đã quyết nghị lấy ngày 03 tháng 02 dương lịch mỗi năm làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

- Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời với Cương lĩnh chính trị đầu tiên đã mở ra thời kì mới cho cách mạng Việt Nam - thời kì đấu tranh giành độc lập dân tộc tiến lên chủ nghĩa xã hội. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng ra đời, đã xác định được những nội dung cơ bản nhất của con đường cách mạng Việt Nam;

- Sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam là một bước ngoặt vô cùng quan trọng của lịch sử cách mạng Việt Nam, quyết định sự phát triển của dân tộc, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối và tổ chức lãnh đạo của phong trào yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX.

II. NHỮNG MỐC SON CHÓI LỌI VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM TRÊN CHẶNG ĐUỜNG 92 NĂM VINH QUANG CỦA ĐẢNG

1. Đảng lãnh đạo đấu tranh giành chính quyền (1930 - 1945)

Sau khi ra đời, Đảng đã lãnh đạo Nhân dân đấu tranh giải phóng dân tộc, giành chính quyền với 3 cao trào cách mạng có ý nghĩa to lớn đưa đến thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945. Đó là:

- Cao trào cách mạng 1930 - 1931 mà đỉnh cao là phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh: Làm rung chuyển chế độ thống trị của đế quốc Pháp và tay sai.

- Cao trào cách mạng đòi dân sinh, dân chủ (1936 - 1939): Bằng sức mạnh đoàn kết của quần chúng, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã buộc chính quyền thực dân phải nhượng bộ một số yêu sách về dân sinh, dân chủ;

- Cao trào cách mạng giải phóng dân tộc (1939 - 1945) dưới sự lãnh đạo sáng suốt, kiên quyết của Đảng, đứng đầu là Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng với sự đoàn kết hăng hái, chiến đấu ngoan cường và hy sinh to lớn của biết bao đảng viên cộng sản, chiến sĩ và đồng bào yêu nước đã kết thúc thắng lợi bằng cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã phá tan sự thống trị của thực dân gần một trăm năm và lật đổ chế độ phong kiến đè nặng lên Nhân dân ta mấy mươi thế kỉ, mở ra bước ngoặt vĩ đại của cách mạng, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới; kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Ngày 02/9/1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á.

2. Đảng lãnh đạo đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước (1945- 1975)

2.1. Xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng, toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ (1945 - 1954)

- Trong những năm 1945 - 1946, Đảng ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo xây dựng và củng cố vững chắc chính quyền Nhân dân, bầu cử Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (06/01/1946); xây dựng và thông qua Hiến pháp dân chủ đầu tiên (09/11/1946); Tháng 12/1946, trước dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa của thực dân Pháp, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động toàn quốc kháng chiến với quyết tâm "Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”. Bằng đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính, đồng thời tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của bạn bè quốc tế, Đảng đã lãnh đạo Nhân dân ta lần lượt đánh bại các kế hoạch chiến tranh của thực dân Pháp giành thắng lợi mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”

2.2. Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (1954 - 1975)

- Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Nhân dân ta bắt tay vào xây dựng, khôi phục kinh tế - văn hóa, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong khi đó ở miền Nam, đế quốc Mỹ phá hoại Hiệp định Giơnevơ, hất chân thực dân Pháp, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của chúng. Nhiệm vụ của Đảng ta trong giai đoạn này hết sức nặng nề, đó là phải lãnh đạo cách mạng Việt Nam tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược gồm cách mạng dân tộc dân chủ Nhân dân ở miền Nam và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.

- Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân nêu cao quyết tâm đánh Mỹ, thực hiện đường lối chiến tranh Nhân dân bằng tầm cao khoa học và nghệ thuật. kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang; Bằng đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt Đảng đã lãnh đạo Nhân dân ta lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh tàn bạo của đế quốc Mỹ, giành nhiều thắng lợi vẻ vang mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

- Song song với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng đã lãnh đạo Nhân dân miền Bắc khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế - xã hội, tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa và đưa miền Bắc quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Sau 21 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Bắc đã giành được những thành tựu quan trọng, chuẩn bị cơ sở vật chất, kỹ thuật ban đầu cho chủ nghĩa xã hội; vừa sản xuất, vừa chiến đấu và chi viện sức người, sức của, hoàn thành vai trò hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn miền Nam.

3. Thời kỳ tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa trên cả nước, thực hiện công cuộc đổi mới đất nước từ năm 1975 đến nay

3.1. Từ năm 1975 đến năm 1986

- Sau chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đất nước ta gặp muôn vàn khó khăn, Đảng đã lãnh đạo Nhân dân vừa ra sức khôi phục kinh tế vừa tiến hành hai cuộc chiến tranh chống xâm lược biên giới phía Bắc và Tây Nam, bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; đồng thời tập trung lãnh đạo xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội.

- Trước những thách thức của thời kỳ mới, Đảng ta đã tổng kết thực tiễn, tìm tòi, hoạch định đường lối đổi mới, ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 20/9/1979 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa IV) về “Phương hướng nhiệm vụ phát triển công nghiệp hàng tiêu dùng và công nghiệp địa phương"; Chỉ thị 100- CT/TW ngày 13/01/1981 của Ban Bí thư về “Cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp”; Quyết định 25/QĐ-CP ngày 21/01/1981 của Chính phủ về đổi mới quản lý kinh tế quốc doanh; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8, khóa V (tháng 6/1985) thừa nhận sản xuất hàng hóa và những quy luật của sản xuất hàng hóa; Kết luận của Bộ Chính trị (tháng 8/1986) về 3 quan điểm kinh tế trong tình hình mới...

3.2. Từ năm 1986 đến nay

- Trên cơ sở đánh giá tình hình đất nước và qua quá trình tìm tòi, khảo nghiệm, Đại hội VI của Đảng (tháng 12/1986) đã đưa ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, mở ra bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đại hội VII của Đảng (tháng 6/1991) khẳng định tiếp tục đổi mới đồng bộ, triệt để trên các lĩnh vực với những bước đi, cách làm phù hợp và giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa. Các nghị quyết của Đảng từ Đại hội VIII đến nay tiếp tục khẳng định sự kiên định, kiên trì thực hiện đường lối đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.

- Qua hơn 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991 và hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Diện mạo đất nước và đời sống của Nhân dân có nhiều thay đổi, ngày càng được nâng cao. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường. Sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng. Đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Xây dựng Nhà nước pháp quyền và cả hệ thống chính trị được đẩy mạnh. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, học tập và làm theo tư tương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã và đang đạt được nhiều kết quả tích cực. Đa số cán bộ, đảng viên và Nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, vào công cuộc đổi mới và triển vọng phát triến của đất nước.

III- PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG VẺ VANG, TÍCH CỰC XÂY DỰNG ĐẢNG TRONG SẠCH VỮNG MẠNH, ĐẤT NƯỚC NGÀY CÀNG GIÀU ĐẸP

Những thắng lợi vĩ đại trong 92 năm qua kể từ ngày có Đảng lãnh đạo là minh chứng sinh động nhất về năng lực lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng và sức mạnh to lớn của Nhân dân ta. Đảng đã không ngừng tự đổi mới, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trước bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp. Đảng ta đã dành không ít thời gian và công sức cho công tác xây dựng Đảng, coi xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, được đặt ra trong nhiều nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Sau thời gian triển khai thực hiện, công tác xây dựng Đảng đã đạt được những chuyển biến tích cực và kinh nghiệm quan trọng. Bản lĩnh chính trị, trình độ, năng lực lãnh đạo của Đảng ngày càng được nâng lên; Đảng luôn vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức trong bối cảnh trong nước, khu vực, thế giới có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường và có những quyết sách phù hợp để chỉ đạo xử lý kịp thời, hiệu quả.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đặc biệt quan tâm, tiến hành toàn diện trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, tạo dấu ấn nổi bật. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí chuyển biến mạnh mẽ, được triển khai quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước đột phá và đạt nhiều kết quả cụ thể, rõ rệt, tích cực. Tình trạng tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hoá trong Đảng và hệ thống chính trị từng bước được kiềm chế. Nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng, nhất là các vụ án lớn, nghiêm trọng lần lượt được phát hiện, điều tra, tiến hành khởi tố, truy tố, xét xử nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, tạo sức răn đe, cảnh tỉnh rất lớn, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân hoan nghênh, đánh giá cao và đồng tình ủng hộ. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã phát huy tinh thần đoàn kết, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, sự nỗ lực sáng tạo, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng; đất nước tiếp tục phát triển nhanh và khá toàn diện, chuyển biến tích cực, với nhiều dấu ấn nổi bật: kinh tế nước ta vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân khá cao, là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực và thế giới. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện; kinh tế vĩ mô vẫn ổn định khá vững chắc; các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. Đầu tư xã hội, năng lực sản xuất kinh doanh tăng mạnh. Tiềm lực, quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế tiếp tục được nâng lên một bước. Các lĩnh vực an sinh xã hội, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, bảo vệ tài nguyên môi trường, phát triển văn hoá, xây dựng con người Việt Nam... có nhiều chuyển biến tích cực. Quốc phòng, an ninh tiếp tục được tăng cường. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, không ngừng mở rộng và đi vào chiều sâu, góp phần củng cố môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển; uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao.

Trải qua 92 năm tiến hành sự nghiệp cách mạng vĩ đại dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ và Nhân dân Hải Dương luôn trung thành với mục tiêu của Đảng là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, góp phần hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc, đã và đang không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức thực hiện chiến lược phát triến kinh tế - xã hội, thực hiện công cuộc đổi mới. Từ một tỉnh nông nghiệp lạc hậu, đến nay Hải Dương đang trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế - xã hội của khu vực Đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ. Kinh tế hàng năm đều tăng trưởng cao hơn bình quân chung của cả nước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng công nghiệp hóa. Thu ngân sách và thu hút đầu tư đạt kết quả khá cao, từ năm 2017 Hải Dương là một trong 16 tỉnh, thành trong cả nước tự cân đối ngân sách và có một phần điều tiết về Ngân sách Trung ương. Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, tốc độ tăng trưởng GRDP trên địa bàn tỉnh đạt 8,6%, cao thứ 8/63 cả nước và thứ 4/11 Vùng Đồng bằng sông Hồng (sau Hải Phòng, Quảng Ninh và Hà Nam). Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp. Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng khá, là chỗ dựa của nền kinh tế trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19 và giúp ổn định đời sống Nhân dân. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng so với cùng kỳ, trong đó vốn đầu tư toàn xã hội tăng mạnh. Thu ngân sách nhà nước đạt kế hoạch; chi ngân sách đảm bảo chặt chẽ, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của địa phương. Các dự án trọng điểm, động lực được tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ; giải ngân vốn đầu tư công đạt kế hoạch đề ra. Chương trình xây dựng nông thôn mới được quan tâm chỉ đạo đạt kết quả tích cực. Công tác bảo đảm an sinh xã hội được quan tâm thực hiện tốt; đời sống Nhân dân được duy trì ổn định. Công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được tập trung chỉ đạo quyết liệt, chủ động, kịp thời, điều chỉnh một số biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 12/10/2021 của Chính phủ. Quốc phòng, an ninh, chính trị, trật tự an toàn xà hội được đảm bảo; công tác thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí được tăng cường. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tập trung chỉ đạo; đặc biệt đã tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026.

Kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vô cùng tự hào vì đất nước có một Đảng Cộng sản kiên cường, trung thành với Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lãnh đạo Nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, làm nên những kỳ tích vĩ đại trong lịch sử dân tộc, đóng góp xứng đáng vào phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, vì hòa bình và tiến bộ của nhân loại. Tự hào về Đảng quang vinh, về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân Việt Nam ở trong nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài càng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình, nguyện đi theo Đảng, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, tiếp tục lãnh đạo Nhân dân ta đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế, thực hiện thắng lợi mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ QUẢNG NGHIỆP - HUYỆN TỨ KỲ

Trưởng Ban Biên tập: Ông Vũ Chí Mạnh - Chủ tịch UBND xã

Địa chỉ: xã Quảng Nghiệp, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương

Điện thoại: 0979872067

Email: vuchimanh@haiduong.gov.vn

Số lượt truy cập
Đang truy cập: 1
Hôm nay: 3
Tháng này: 6,484
Tất cả: 125,995