TIN TỔNG HỢP KHÁC
Thông tin nổi bật về Hải Dương
30/08/2022 10:03:28

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG

SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

THÔNG TIN NỔI BẬT VỀ HẢI DƯƠNG

Ngày 29 tháng 8 năm 2022

(Thực hiện theo Thông báo số 307-TB/TU ngày 12/9/2016)

XÃ HỘI2

1. Hải Dương: Hoàn thành hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động – Mạnh Tú, baotintuc.vn 29/82

2. Hải Dương: Ai thuộc diện được bốc thăm xác minh tài sản, thu nhập? – Hải Ninh, kienthuc.net.vn 29/8 3

3. Động Kính Chủ và 'bảo tàng' những bài thơ trên vách đá ở Hải Dương – Phùng Nguyện, mekongasean.vn 29/8. 4

4. Bổ ích “Học kỳ quân đội”- Hà Phương Anh, qdnd.vn 29/8. 7

5. Đường hoa mười giờ nông thôn mới đẹp như mơ ở Hải Dương, đến trẻ con còn thích thú - Hoàng Cảnh, danviet.vn 29/8. 8

6. Một bệnh nhân tử vong do Covid-19 tại Hải Dương – Quốc Toản, zingnews.vn 29/810

TIN TRONG NƯỚC.. 10

1. Thủ tướng: Chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam phải bảo đảm công bằng, công lý – Hà Văn, baochinhphu.vn 29/8. 10

2. Tăng cường bảo đảm an toàn thông tin mạng dịp nghỉ lễ 2/9 -Chinhphu.vn 29/8………………………………………………………………………………12

THÔNG TIN NỔI BẬT TRÊN BÁO HẢI DƯƠNG, ĐÀI PTTH TỈNH13

1. Báo Hải Dương. 13

*Nhiều bất cập khi tồn tại trại tạm giam giữa khu đô thị13

*Lợi ích bầu trưởng thôn, khu dân cư trong 1 ngày13

*Khai mạc Hội thao Trung đội dân quân cơ động15

*Doanh nghiệp vận tải đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của người dân dịp nghỉ lễ Quốc khánh 16

*Khẩn trương khôi phục sản xuất rau màu sau mưa bão16

2. Đài PTTH tỉnh. 17

*Chỉ thị của UBND tỉnh về nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-202317

*Tăng cường kiểm tra, xử lý xe ô tô đừng, đỗ không đúng quy định trên Quốc lộ 5, Quốc lộ 37 20

*Không chạy theo tiến độ giải ngân gói hỗ trợ 2% lãi suất20

*Nâng cao chất lượng Tổ tiết kiệm & vay vốn21


XÃ HỘI

1. Hải Dương: Hoàn thành hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động – Mạnh Tú, baotintuc.vn 29/8

Ông Bùi Quốc Trình, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương cho biết, đến trưa 29/8, Hải Dương đã hoàn thành việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động trên địa bàn theo Quyết định số 08/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hải Dương, lực lượng lao động của tỉnh hiện có trên 930.000 người, trong đó, số lao động trong các doanh nghiệp là trên 377.000 lao động; số lao động tỉnh ngoài là 56.900 người, chiếm trên 17%.

Sau khi có Quyết định số 08/QĐ-TTg, Hải Dương đã tăng cường công tác tuyên truyền chính sách hỗ trợ bằng nhiều hình thức khác nhau để người lao động, người sử dụng lao động và toàn thể nhân dân được biết.

Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương cũng sớm ban hành kế hoạch triển khai thực hiện quyết định này từ ngày 30/4. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hải Dương đã tham mưu cho UBND tỉnh lập kế hoạch, dự kiến người được hưởng, kinh phí và giải quyết những khó khăn, vướng mắc để việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động trên địa bàn được triển khai nhanh chóng, hiệu quả.

Sau khi rà soát tất cả 12 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn, tỉnh Hải Dương đã phê duyệt hỗ trợ tiền thuê nhà cho 26.040 người lao động với tổng kinh phí gần 40 tỷ đồng.

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hải Dương, trong quá trình triển khai, một số huyện có quyết định phê duyệt hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn chậm, chưa đảm bảo tiến độ. Một số doanh nghiệp chưa kịp thời thực hiện tiếp nhận, hoàn thiện hồ sơ đề nghị của người lao động và tổng hợp gửi đến cơ quan có thẩm quyền đề nghị phê duyệt hỗ trợ cho người lao động. Tỷ lệ giải ngân còn chậm so với yêu cầu, việc thực hiện chi trả cho người lao động đã được phê duyệt hỗ trợ ở một số huyện, thị xã, thành phố cũng bị chậm.

Nguyên nhân của việc giải ngân chậm là do một số huyện thiếu kinh phí chi trả và phải chờ UBND tỉnh cấp kinh phí. Cùng với đó, thủ tục của địa phương là sau khi có quyết định phê duyệt, cơ quan tài chính cấp kinh phí qua Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, từ đó tiếp tục chuyển kinh phí hỗ trợ về doanh nghiệp làm kéo dài thời gian. Nhiều doanh nghiệp những ngày gần hết hạn tiếp nhận hồ sơ (15/8) mới hoàn thiện hồ sơ thủ tục để đề nghị phê duyệt.

Ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương khẳng định, bên cạnh việc chi trả hỗ trợ tiền thuê nhà đúng, đủ theo quy định cho người lao động trên địa bàn, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo trong thời gian tới tiếp tục rà soát kiểm tra việc thực hiện các chính sách liên quan đến người lao động, quyết tâm thực hiện tốt các chế độ chính sách đã được ban hành, không để bỏ sót người lao động đủ điều kiện mà không được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định.

Trong buổi làm việc mới đây của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội với tỉnh Hải Dương về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nêu rõ: Chủ trương hỗ trợ tiền thuê trọ cho người lao động thực chất cũng là chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp để giữ chân và tuyển dụng thêm lao động. Vì thế, trách nhiệm thực hiện chính sách là của cả người lao động, doanh nghiệp. Các cấp công đoàn cần tích cực hỗ trợ người lao động, đôn đốc doanh nghiệp lập danh sách để quyết định được triển khai nhanh hơn, kịp thời hỗ trợ và góp phần ổn định cuộc sống cho người lao động.Về đầu trang

2. Hải Dương: Ai thuộc diện được bốc thăm xác minh tài sản, thu nhập? – Hải Ninh, kienthuc.net.vn 29/8

Người được xác minh là cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy Hải Dương quản lý và một số cán bộ, công chức thuộc đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản.

Mới đây, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hải Dương (TP Hải Dương) đã ban hành kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập đối với cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy Hải Dương quản lý năm 2022.

Theo đó, kế hoạch hướng đến mục tiêu nhằm kiểm tra, làm rõ tính chính xác, trung thực các nội dung trong bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập được xác minh; ngăn ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng đối với người có nghĩa vụ kê khai.

Theo kế hoạch, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hải Dương sẽ tiến hành xác minh theo định hướng đã báo cáo và được Thường trực Thành ủy nhất trí ở các lĩnh vực: Tổ chức cán bộ, giải phóng mặt bằng, đấu thầu, đấu giá.

Cụ thể, sẽ xác minh ở 8 đơn vị, trong đó có 5 cơ quan (Phòng Nội vụ thành phố, Ban Tổ chức Thành ủy, Ban Giải phòng mặt bằng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản, Phòng Quản lý đô thị) và 3 Đảng ủy (phường Việt Hòa, xã Tiền Tiến, xã Quyết Thắng).

Người được xác minh là cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy Hải Dương quản lý và một số cán bộ, công chức thuộc đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập công tác tại lĩnh vực định hướng xác minh tài sản, thu nhập ở cơ quan Thành ủy.

Đáng chú ý, người được xác minh tài sản, thu nhập tại mỗi đơn vị được lựa chọn ngẫu nhiên bằng hình thức bốc thăm. Tỉ lệ người được xác minh tại mỗi đơn vị theo quy định tối thiểu là 10% tổng số cán bộ thuộc diện kê khai tài sản, thu nhập hằng năm. Bản kê khai tài sản, thu nhập của người được xác minh tài sản, thu nhập là bản kê khai năm 2021.

Theo kế hoạch, tiêu chí lựa chọn người được xác minh tài sản, thu nhập là những người có nghĩa vụ kê khai là đối tượng thuộc diện phải kê khai tài sản thu nhập hàng năm; người có nghĩa vụ kê khai chưa được xác minh về tài sản thu nhập trong thời gian 4 năm liền kề trước đó.

Người có nghĩa vụ kê khai không thuộc một trong các trường hợp người đang bị điều tra, truy tố, xét xử; người đang điều trị bệnh hiểm nghèo được cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận; người đang học tập, công tác ở nước ngoài từ 12 tháng trở lên.

Kế hoạch cũng nhằm xác minh tính chính xác, trung thực, đầy đủ, rõ ràng các nội dung trong bản kê khai tài sản, thu nhập của người được xác minh tài sản, thu nhập; tính trung thực trong việc giải trình về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm; xác minh thực tế tài sản, thu nhập của người được xác minh; khi cần thiết kiểm tra, xác minh các nội dung khác có liên quan đến việc kê khai tài sản, thu nhập.

Theo kế hoạch, Uỷ ban Kiểm tra Thành ủy Hải Dương sẽ mời đại diện Uỷ ban MTTQ thành phố dự và thực hiện việc bốc thăm người có nghĩa vụ kê khai tài sản để xác minh. Sau khi bốc thăm, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hải Dương sẽ thực hiện việc xác minh, đánh giá thực trạng việc chấp hành các quy định của pháp luật về kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập; xác định tồn tại, nguyên nhân và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập.

Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hải Dương kỳ vọng hoạt động này sẽ nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, công chức về công tác kê khai, công khai, kiểm soát tài sản thu nhập. Xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, không tham nhũng; coi việc kê khai tài sản thu nhập không chỉ là trách nhiệm mà còn là quyền lợi của bản thân.Về đầu trang

3. Động Kính Chủ và 'bảo tàng' những bài thơ trên vách đá ở Hải Dương – Phùng Nguyện, mekongasean.vn 29/8

Trong các di tích lịch sử tại Việt Nam, động Kính Chủ ở tỉnh Hải Dương ngoài phong cảnh đẹp còn nổi bật với vai trò như một bảo tàng lưu giữ văn bia khắc trên vách núi, những tác phẩm điêu khắc đích thực trải dài suốt 7 thế kỷ qua.

Từng được tôn vinh là Nam Thiên Đệ Lục động (động đẹp thứ 6 trời Nam), động Kính Chủ tọa lạc ở Dương Nham, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương là nơi có cảnh quan thiên nhiên kỳ thú. Ngoài cảnh sắc tự nhiên phong thủy hữu tình, trong động còn lưu giữ nhiều văn bia khắc trên vách đá hơn bất cứ hang động nào ở Việt Nam.

Đây là những bản khắc các bài thơ, minh văn của các bậc danh thần, danh nhân Việt Nam trải dài suốt 7 thế kỷ qua nhiều triều đại phong kiến.

Nhìn từ xa, động Kính Chủ trông giống như một hòn non bộ giữa mênh mông trời đất. Ở xung quanh còn có nhiều hang động khác đã được lịch sử địa phương ghi chép như hang Vang, hang Mũ Nước, hang Trâu, hang Luồn, động Cô Tiên… cùng những cánh đồng trù phú và xóm, làng đan xen.

Nền động Kính Chủ có độ cao khoảng 20m so với đồng ruộng ở chân núi, ánh sáng khá tốt, thoáng về mùa hè và ấm áp về mùa đông nên cũng từng là nơi cư trú thuận lợi của người tiền sử. Bằng chứng là có nhiều di vật, công cụ lao động của người xưa đã được tìm thấy ở đây.

Trong động có chùa Kính Chủ thờ Phật, Minh Không thiền sư, Lý Thần Tông, Huyền Quang tôn giả và nhiều tượng trong kinh Phật được tạc bằng đá. Ở bên trái cửa động có bốn chữ lớn “Vân Thạch thư thất” (Nhà sách Vân Thạch) và bốn chữ nhỏ “Phạm Sư Mạnh thư” (Phạm Sư Mệnh viết), vốn là nơi đọc sách của Phạm Sư Mệnh - một vị quan nổi danh thời Trần.

Suốt mấy thế kỷ, động Kính Chủ được con người tôn tạo, bảo vệ, cùng với những cảnh quan của dãy núi Dương Nham đã trở thành một thắng cảnh ở cửa ngõ miền Đông Bắc đất nước, liền kề miền châu thổ sông Hồng.

Có lẽ do những yếu tố đẹp đẽ đó mà nhiều danh thần, danh nhân các triều đại đã đến đây. Đồng thời cũng có nhiều vua, chúa, cao tăng đã tìm đến thăm động Kính Chủ, cảm tác trước cảnh quan kỳ vĩ và tươi đẹp của núi sông để lại dòng suy tư với đất nước và thời cuộc khắc trên vách đá.

Những cảm xúc đó đã được những người thợ đá nơi đây ghi lại trên văn bia ở vách động. Hiện nay trong động có hơn 40 văn bia qua các thời kỳ với nhiều kích thước, hoa văn và kiểu dáng. Chữ khắc trên các bia trong động bao gồm cả chữ Hán, chữ Nôm và chữ Quốc ngữ.

Nội dung các bia cũng rất phong phú: Bia công đức cho việc làm và trùng tu chùa, tu tạo hang động, cảnh quan, tạo tượng Phật, trồng cây, làm cầu, làm đường đá, nghề đục khắc đá. Ngoài ra còn có bia ghi tên các cụ già có công với làng, với chùa, bia ghi các hậu Phật, ghi danh các tiến sĩ ở Hiệp Sơn, quy định việc tế lễ người có công đức, cả những ghi chép mang tính bút ký về cảnh vật…

Trong số đó có bài thơ khắc chữ Quốc ngữ của tác giả Trần Quốc Trịnh được tạc trên vách động năm 1935 gây nhiều cảm xúc cho du khách khi lui tới:

“Kính chủ đây rồi hỏi chủ đâu

Chùa trông thăm thẳm tận hang sau

Tiếng đàn ai trước còn như vọng

Nét bút đề kia chửa nhạt màu

Non nước chứa chan lòng tưởng tượng

Cỏ hoa ngơ ngác mặt công hầu

Mấy phen dâu bể, người kim cổ

Cảnh vẫn bền nguyên dạ khác nhau”.

Năm 1950, thực dân Pháp tràn về Kính Chủ, đóng quân trong động, phá hoại nhiều di vật quý. Đến năm 1967, không quân Mỹ lại ném bom trước cửa động, phá hủy hoàn toàn những công trình kiến trúc và cây cối xung quanh. Tình trạng khai thác đá không kiểm soát sau đó cũng từng gây hư hại cho di tích động Kính Chủ.

Tuy vậy, trải qua thời gian và những biến thiên của lịch sử, động Kính Chủ vẫn còn lưu giữ được có phong cảnh đẹp, một bảo tàng văn bia cùng các tác phẩm điêu khắc của thợ đá bên trong và trở thành di sản có giá trị mà nơi khác không có được.

Thêm nữa, khi đi quanh khu vực động sẽ thấy các hang có hình thù giống như hàm ếch. Ở chân núi có nhiều cây xanh được trồng để tạo bóng mát, cảnh quan. Các khe động với những cây nhỏ, dây leo xanh tươi quấn quýt…

Ngày 25/12/2017, Hệ thống bia ma nhai động Kính Chủ đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia theo Quyết định số 2089/QĐ-TTg. Cùng với Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Đây sẽ là động lực để thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương phát huy hơn nữa những giá trị của di sản, di tích, cảnh quan… gắn với phát triển du lịch bền vững.

Hải Dương: Xót xa bé gái bị bỏ rơi trong sân chùa kèm mảnh giấy nhờ sư trụ trì nuôi giúp – Đức Tùy, giadinh.net.vn 29/8

Nội dung mảnh giấy viết: "Vì hoàn cảnh khó khăn nên con không chăm sóc được, con xin cúng cháu vào nhà chùa, kính xin Thầy nuôi dạy cháu lên người... con xin đội ơn nhà Chùa, con sẽ không xin lại ạ".

Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, đại diện UBND xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc (Hải Dương) cho biết, vào sáng nay (29/8), tại sân chùa Khuông Phụ thuộc địa bàn, sư trụ trì phát hiện một bé gái bị bỏ rơi kèm theo mảnh giấy nhờ nhà chùa nuôi giúp. Hiện tại chính quyền địa phương đã lập biên bản, tạm bàn giao cho người chăm sóc, nuôi dưỡng và thông báo tìm thân nhân cho cháu bé.

Theo Thông báo của UBND xã Yết Kiêu, vào sáng nay, sư thầy Thích Đàm Hải - trụ trì chùa Khuông Phụ (thôn Khuông Phụ) phát hiện 1 cháu bé bị bỏ rơi tại sân chùa. Do cháu bé còn quá nhỏ nên sư trụ trì đã bế vào trong chùa và đến 6h15 sáng cùng ngày, nhà chùa thông báo cho công an xã.

Nhận được tin báo, Công an xã Yết Kiêu cùng lực lượng chức năng nhanh chóng có mặt tại nơi phát hiện sự việc tiến hành xác minh và thiết lập biên bản.

Cũng theo chính quyền sở tại, sau khi đưa cháu bé đi kiểm tra, cháu bé có sức khỏe bình thường, nhận định cháu sinh được khoảng 26 ngày tuổi, nặng khoảng 4kg. Thời điểm nhà chùa phát hiện, bé gái được quấn trong khăn màu xanh lơ, đội mũ có đường kẻ và có mảnh giấy để lại.

Nội dung mảnh giấy viết: "Vì hoàn cảnh khó khăn nên con không chăm sóc được, con xin cúng cháu vào nhà chùa, kính xin Thầy nuôi dạy cháu lên người. Bé sinh lúc 06h25 phút sáng ngày 02/8/2022 Dương lịch, con xin đội ơn nhà Chùa, con sẽ không xin lại ạ".

Sau khi hoàn thành các thủ tục cần tiết, chính quyền sở tại ban hành thông báo tìm thân nhân cho cháu bé, ai là cha mẹ, hoặc người thân bé gái nhanh chóng đến UBND xã Yết Kiêu làm thủ tục nhận lại. Sau 6/9/2022, nếu người thân không đến nhận lại, xã Yết Kiêu sẽ tiến hành làm thủ tục đăng ký khai sinh và các thủ tục có liên quan cho cháu bé theo quy định pháp luật

Được biết, trong thời gian tìm thân nhân cho cháu bé, chính quyền xã Yết Kiêu tạm bàn giao cho trụ trì chùa Khuông Phụ chăm sóc bé gái.Về đầu trang

4. Bổ ích “Học kỳ quân đội”- Hà Phương Anh, qdnd.vn 29/8

Lữ đoàn 131, Quân chủng Hải quân vừa phối hợp với Tỉnh đoàn Hải Dương tổ chức thành công Chương trình huấn luyện “Học kỳ quân đội”. Đây là mô hình giáo dục tổng hợp, thông qua trải nghiệm thực tế dành cho thanh, thiếu niên trong độ tuổi từ 10 đến 16. Thông qua chương trình giúp các em trưởng thành, chín chắn hơn trong suy nghĩ, phát huy tính chủ động, khả năng làm việc nhóm, nâng cao sức khỏe cũng như tác phong trong sinh hoạt hằng ngày.

Chúng tôi đến Lữ đoàn 131 đúng lúc các em học sinh đang chuẩn bị thực hành bài học “Kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và thoát hiểm khi gặp hỏa hoạn”. Những gương mặt non nớt trở nên nhanh nhẹn, rắn rỏi hơn trong bộ quân phục màu xanh lá. Sau khi được nghe đồng chí phụ trách lớp học hướng dẫn tỉ mỉ, các em bước vào phần thực hành. Rất bình tĩnh và tự tin, em Vũ Thị Ngọc Ánh, học sinh lớp 7, Trường THCS Kim Liên (Kim Thành, Hải Dương) bước lên cầm bình cứu hỏa chạy về phía đám cháy. Đến khoảng cách thích hợp, em đặt bình xuống, rút chốt, cầm vòi xịt. Không đầy 5 phút sau, lửa đã được dập tắt.

Trò chuyện với chúng tôi ngay sau khi vừa thực hành xong, Vũ Thị Ngọc Ánh cho biết: “Em rất thích bài học này. Trước đây, qua ti vi và phim ảnh, em đã tìm hiểu về việc dùng bình chữa cháy khi có hỏa hoạn xảy ra. Nhưng em không ngờ tham gia khóa học lại được làm trực tiếp”. Ngọc Ánh cho biết thêm, đây là lần đầu tiên em được tham gia Chương trình “Học kỳ quân đội”. Trước khi đến đây, em khá lo lắng vì chưa hiểu nhiều về môi trường quân đội.

Nhưng được sự hướng dẫn tận tình của các anh chị phụ trách, các chú bộ đội, em thấy mình trưởng thành lên từng ngày. Em Hà Minh Nhật, học sinh lớp 10 (phường Quang Trung, TP Hải Dương) chia sẻ: “Năm nay là năm thứ hai em đăng ký tham gia vì vô cùng yêu thích “Học kỳ quân đội”. Tham gia chương trình huấn luyện, em không chỉ rèn luyện được tác phong nhanh nhẹn, tự tin thể hiện bản thân, chủ động trong mọi việc mà còn xây dựng được kỹ năng làm việc cùng các bạn, hòa đồng với tập thể. Hy vọng rằng ngày càng có nhiều bạn được tham gia chương trình để có thêm những trải nghiệm trong quân đội”.

Đây cũng là tâm trạng chung của nhiều học sinh khi được tham gia chương trình huấn luyện đợt này. Cùng với 9 tình nguyện viên và 5 cán bộ Tỉnh đoàn Hải Dương, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 883, Lữ đoàn 131 là đơn vị trực tiếp tổ chức lớp học. Trung tá Nguyễn Trung Phong, Chính trị viên Tiểu đoàn 883 cho biết: “Đây là lần đầu tiên đơn vị tổ chức hoạt động “Học kỳ quân đội” nên còn khá bỡ ngỡ. Tuy nhiên, ngay từ khi có kế hoạch tổ chức huấn luyện, được sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy lữ đoàn và các cơ quan, chúng tôi tiến hành bàn bạc, xây dựng hệ thống văn kiện, quán triệt đến từng cán bộ, chiến sĩ để xây dựng chương trình sao cho phù hợp với độ tuổi của các cháu”.

Trong quá trình chuẩn bị, trên cơ sở nội dung “đặt hàng” của Tỉnh đoàn Hải Dương, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, chỉ huy lữ đoàn, Đoàn cơ sở lữ đoàn đã chủ động hiệp đồng chặt chẽ với các cơ quan của Tỉnh đoàn Hải Dương, phối hợp với Tiểu đoàn 883 xây dựng tiến trình biểu huấn luyện các khoa mục, bảo đảm nội dung phong phú, đa dạng. Không chỉ giúp học viên có những kiến thức cơ bản về truyền thống anh hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam, của quân chủng, lữ đoàn, về điều lệnh đội ngũ, các chế độ trong ngày, trong tuần mà các bài học về kỹ năng thoát hiểm, phòng, chống cháy, nổ, tai nạn đuối nước... cũng được đơn vị chú trọng hướng dẫn các em. Ban tổ chức chương trình phân chia các tiết học sao cho không bị chồng chéo, có sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành để các em có trải nghiệm thực tế nhất. Sau từng buổi lên lớp, chỉ huy các cấp trong tiểu đoàn tổ chức hội ý để kịp thời rút kinh nghiệm, chỉ ra điểm mạnh, điểm yếu để giờ huấn luyện sau tốt hơn.

Trung tá Nguyễn Trung Phong cho biết thêm, các em đến từ nhiều địa phương trong tỉnh Hải Dương, có sự khác nhau về độ tuổi, giới tính, nhận thức, đặc biệt chưa quen với nền nếp trong quân đội nên các cán bộ, giảng viên phải trực tiếp giảng giải, tổ chức huấn luyện mẫu thông qua các tình huống. Bên cạnh đó, đào tạo cho đối tượng này cũng không thể hoàn toàn giống với huấn luyện chiến sĩ trong quân đội. Các em đa phần lần đầu phải xa gia đình, đến một môi trường mới nên cũng không thể tránh khỏi cảm giác nhớ nhà, mệt mỏi vì thời tiết oi bức. Lúc ấy, cán bộ hướng dẫn phải thường xuyên sát sao, như “người anh, người chị”, vừa an ủi, chia sẻ, vừa động viên, khích lệ để các em có thể tiếp tục cố gắng và hoàn thành tốt khóa học”.

Chương trình “Học kỳ quân đội” là hoạt động thường niên vào dịp hè do Tỉnh đoàn Hải Dương cùng một số đơn vị bộ đội trên địa bàn tổ chức. Chia sẻ với chúng tôi, anh Vũ Nguyên Đức, chuyên viên Ban Phong trào, Tỉnh đoàn Hải Dương cho biết: “Qua nhiều năm tổ chức, chúng tôi thấy đây là hoạt động rất bổ ích với các em học sinh. Các em đều tham gia khóa học với tinh thần hứng khởi khi được trải nghiệm những điều mới lạ. Sau khóa học, các em đã trưởng thành hơn, suy nghĩ chín chắn và hoạt bát hơn, đồng thời cũng có sự thay đổi lớn về tính chủ động, khả năng làm việc nhóm, nâng cao sức khỏe cũng như tác phong trong sinh hoạt hằng ngày. Vì vậy, sau mỗi năm tổ chức, rất nhiều phụ huynh lại liên lạc với chúng tôi để đăng ký cho con em mình tham gia”.Về đầu trang

5. Đường hoa mười giờ nông thôn mới đẹp như mơ ở Hải Dương, đến trẻ con còn thích thú - Hoàng Cảnh, danviet.vn 29/8

Đến xã Hồng Hưng (huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) , hẳn nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của những đoạn đường hoa mười giờ nở rực rỡ, đủ sắc màu uốn lượn quanh những đồng lúa, đường làng, ngõ xóm.

Để triển khai thực hiện và nhân rộng mô hình “Tuyến đường hoa”, Hội Phụ nữ xã đã vận động các hội viên tiến hành trồng hoa ven đường để xây dựng các tuyến đường phụ nữ tự quản xanh - sạch - đẹp, góp phần bảo vệ môi trường sống trong lành, làm đẹp cảnh quan đường làng, ngõ xóm và diện mạo của xã.

Thời gian qua, phong trào ‘Phụ nữ Hồng Hưng (huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) chung sức tham gia xây dựng nông thôn mới’ đã trở thành phong trào lan tỏa mạnh mẽ, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia.

Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, các chi hội phụ nữ trong xã đã và đang góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, đóng góp tích cực vào Chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện.

Chị em hội viên đã phân công nhau làm cỏ, vun đất trồng hoa. Các loại hoa được trồng chủ yếu là sam, mười giờ, chiều tím,... Đây là những giống hoa có sức sống tốt, phát triển nhanh, màu sắc rực rỡ, dễ trồng, dễ chăm sóc, thích ứng với thời tiết và phù hợp với cảnh quan ven đường. Nhiều Chi hội phụ nữ đã có cách làm linh hoạt, sáng tạo và nhận được sự ủng hộ, ghi nhận của cấp ủy, chính quyền, sự tham gia nhiệt tình của người dân địa phương.

Sau một thời gian triển khai thực hiện, mô hình “Tuyến đường hoa” do Hội Phụ nữ xã Hồng Hưng phát động đã thành công, được đông đảo hội viên phụ nữ và Nhân dân trên địa bàn xã tích cực hưởng ứng.

Đến nay, mô hình đã được nhân rộng tại hầu hết các chi hội phụ nữ với tổng chiều dài đường hoa trên 2000m.Ngoài các tuyến đường hoa do hội viên phụ nữ trồng và chăm sóc, nhiều người dân đã chủ động trồng hoa ở các đoạn đường, ngõ xóm nhà mình.

Phong trào trồng hoa ven đường thực sự lan tỏa đến từng thôn, xóm và các hộ dân. Sự hình thành những tuyến đường hoa đã làm thay đổi nhận thức của người dân về vấn đề vệ sinh môi trường, ý thức làm đẹp cảnh quan thôn, xóm được nâng lên rõ nét.

Tại những nơi đã trồng hoa, không còn tình trạng người dân vứt rác bừa bãi hay chăn thả gia súc, gia cầm ven đường như trước. Giờ đây, trên nhiều con đường bê tông trải dài ở các thôn, xóm trong xã đã được khoác lên mình tấm áo hoa đầy sắc màu.

Đây là thành quả của những người phụ nữ ngày ngày cần mẫn, chăm chỉ góp sức để diện mạo quê hương thêm đổi mới, tươi đẹp hơn. Những hoạt động thiết thực, hiệu quả của các Hội phụ nữ xã Hồng Hưng đã và đang ngày càng khẳng định vai trò, vị trí của Hội trong hệ thống chính trị, chung sức xây dựng quê hương Hồng Hưng nói riêng và quê hương Gia Lộc nói chung ngày càng giàu đẹp văn minh.Về đầu trang

6. Một bệnh nhân tử vong do Covid-19 tại Hải Dương – Quốc Toản, zingnews.vn 29/8

Trong ngày 29/8, Việt Nam ghi nhận thêm 2.409 ca mắc Covid-19 mới và một người tử vong do dịch bệnh này.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tối 29/8, Hải Dương ghi nhận một bệnh nhân Covid-19 tử vong.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.113 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm. Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ. Mặt khác, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Cũng trong 24 giờ qua, Việt Nam có thêm 2.409 trường hợp mắc Covid-19, tăng hơn 700 ca so với ngày trước đó.

Số ca mắc Covid-19 trong ngày tại Việt Nam. Ảnh: BYT.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.405.711 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Theo Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, cả nước hiện điều trị cho 91 bệnh nhân Covid-19 phải thở oxy. Trong đó, 79 ca thở qua mặt nạ, 3 ca thở oxy dòng cao HFNC, 3 ca thở máy không xâm lấn và 6 ca thở máy xâm lấn.

Trong ngày 28/8 có 193.487 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 255.990.852 liều,

Trong đó, số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 218.497.629 liều. Cụ thể, mũi 1 là 71.075.399 liều; mũi 2 là 68.636.600 liều; mũi bổ sung là 14.850.727 liều; mũi nhắc lại lần 1 là 49.923.465 liều; mũi nhắc lại lần 2 là 14.011.438 liều.

Số liều tiêm cho trẻ 12-17 tuổi là 22.294.924 liều, gồm mũi 1 là 9.094.020 liều; mũi 2 là 8.800.972 liều; mũi nhắc lại lần 1 là 4.399.932 liều.

Số liều tiêm cho trẻ 5-11 tuổi là 15.198.299 liều (mũi 1 là 9.240.404 liều; mũi 2 là 5.957.895 liều).Về đầu trang

TIN TRONG NƯỚC

1. Thủ tướng: Chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam phải bảo đảm công bằng, công lý – Hà Văn, baochinhphu.vn 29/8

Ngày 29/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp ông Alok Sharma, Bộ trưởng, Chủ tịch COP26 và Đoàn công tác của Vương quốc Anh thăm làm việc tại Việt Nam.

Tại buổi tiếp, hai bên cùng đánh giá biến đổi khí hậu ngày càng trở nên cực đoan, khó lường và khó dự báo trên phạm vi toàn cầu, vì vậy, cần có tinh thần đoàn kết quốc tế và cách tiếp cận toàn cầu để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Với tinh thần triển khai quyết liệt các cam kết tại COP26, Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Kế hoạch giảm phát thải khí methane; Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane của ngành giao thông vận tải; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và nhiều văn bản quan trọng khác.

Việt Nam coi mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” và chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng sạch và tái tạo là xu thế phát triển tất yếu của thế giới cũng như đối với Việt Nam, cũng là xuất phát từ chính lợi ích của nhân dân Việt Nam.

Để làm được điều này, nỗ lực trong nước là tiên quyết, đồng thời, hợp tác quốc tế là quan trọng và mang tính đột phá. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Vương quốc Anh và các đối tác phát triển trong quá trình đàm phán thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng cần hỗ trợ Việt Nam về công nghệ và tài chính, bên cạnh phát triển nguồn nhân lực, hoàn thiện thể chế và chia sẻ kinh nghiệm.

Về công nghệ, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các đối tác phát triển hỗ trợ, chuyển giao công nghệ năng lượng tái tạo, giúp Việt Nam xây dựng và phát triển ngành công nghiệp sản xuất thiết bị năng lượng tái tạo; hỗ trợ Việt Nam xây dựng bản đồ đánh giá chính xác tiềm năng điện mặt trời, điện gió (bao gồm trên bờ và ngoài khơi) trên các vùng miền. Về tài chính, các đối tác phát triển cần xem xét cho Việt Nam vay mức lãi suất hợp lý; đồng thời, có cơ chế hỗ trợ để các nhà đầu tư khi phát triển các dự án năng lượng tái tạo bán điện với mức giá hợp lý, phù hợp với mức thu nhập của người dân Việt Nam.

Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam là một trong những nước chịu tác động của biến đổi khí hậu, vì vậy, việc chuyển đổi năng lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu là mối quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, quá trình này cần được thực hiện một cách công bằng và công lý, sao cho doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam có lợi nhưng người dân Việt Nam cũng được hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Về phần mình, Chính phủ sẽ tiếp tục xem xét có lộ trình giảm nhiệt điện than phù hợp với điều kiện của Việt Nam với sự hỗ trợ của đối tác quốc tế. Việt Nam mong muốn thúc đẩy quá trình đàm phán thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với các đối tác trong đó có các nước thuộc Nhóm G7.

Bộ trưởng, Chủ tịch COP26 Alok Sharma trân trọng cảm ơn Thủ tướng Chính phủ về những chia sẻ rất chân thành, thẳng thắn. Đồng thời, bày tỏ sự vui mừng được trở lại Việt Nam lần thứ ba trong 18 tháng qua và đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc triển khai các cam kết tại COP26.

Chủ tịch COP26 cho biết, ông sẽ chuyển thông điệp của Thủ tướng Chính phủ về công bằng và công lý trong hợp tác chuyển đổi năng lượng và ứng phó với biến đổi khí hậu đến các đối tác phát triển và mong muốn Tuyên bố chính trị về thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng sẽ được thông qua nhân dịp COP27 tại Ai Cập vào cuối năm nay.Về đầu trang

2. Tăng cường bảo đảm an toàn thông tin mạng dịp nghỉ lễ 2/9 -Chinhphu.vn 29/8

Để phòng, chống nguy cơ mất an toàn thông tin mạng xảy ra trong thời gian nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đề nghị các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tăng cường triển khai công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng cho các hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý.

Bộ TT&TT đã có công văn gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước; các tập đoàn, tổng công ty, công ty cung cấp dịch vụ Internet, viễn thông; các tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại về việc tăng cường đảm bảo an toàn thông tin mạng trong thời gian nghỉ lễ Quốc khánh 2/9.

Cụ thể, Bộ TT&TT đề nghị các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp rà soát và cho dừng hệ thống thông tin trong trường hợp chưa bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo quy định của pháp luật.

Tổ chức giám sát, bảo vệ các hệ thống thông tin. Phân công lực lượng tại chỗ triển khai trực giám sát, bảo đảm an toàn thông tin mạng 24/7. Yêu cầu đơn vị cung cấp dịch vụ an toàn thông tin mạng (nếu có) củng cố và ưu tiên nguồn lực cho nhiệm vụ giám sát và bảo vệ các hệ thống thông tin.

Cùng với đó, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cũng cần phải thiết lập đường dây nóng (hotline) để tiếp nhận thông báo sự cố. Tất cả các trường hợp sự cố xảy ra cần phải báo cáo về Bộ TT&TT, trực tiếp là Cục An toàn thông tin chậm nhất 5 ngày kể từ khi phát hiện sự cố để theo dõi, quản lý và điều phối.

Đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet và những tổ chức, doanh nghiệp cung cấp nền tảng chuyển đổi số cần bố trí nguồn lực trực giám sát, hỗ trợ và khắc phục sự cố bảo đảm hạ tầng viễn thông, Internet an toàn, thông suốt.

Ngăn chặn hoạt động tấn công mạng, phát tán thông tin xấu độc

Bộ TT&TT yêu cầu các đơn vị triển khai các biện pháp kỹ thuật ở mức cao nhất nhằm phát hiện, chặn lọc, ngăn chặn hoạt động tấn công mạng, phát tán thông tin xấu độc, thông tin vi phạm pháp luật trên hệ thống thông tin, hạ tầng mạng lưới thuộc phạm vi quản lý. Thực hiện nghiêm và kịp thời các biện pháp xử lý theo yêu cầu của Bộ TT&TT và cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Bộ TT&TT đề nghị các bộ, ngành, địa phương cùng các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, viễn thông và các tổ chức tài chính, ngân hàng chủ động tổ chức hoạt động ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng đối với các hệ thống thuộc phạm vi quản lý nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý và khắc phục kịp thời sự cố an toàn thông tin mạng.

Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cũng cần cử đầu mối tiếp nhận thông tin với Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT. Trường hợp cần hỗ trợ giám sát, xử lý, ứng cứu sự cố, các đơn vị đề nghị liên hệ với Cục An toàn thông tin.

Đối với người dùng cá nhân tham gia không gian mạng, để tự bảo vệ bản thân trước các chiêu trò lừa đảo trực tuyến ngày càng tinh vi, người dùng cần lưu ý giữ bí mật các thông tin bảo mật tài khoản ngân hàng tên truy cập, mật khẩu, mã OTP.

Khi có bất cứ nghi ngờ nào khách hàng cần lập tức liên hệ với ngân hàng qua hotline để được tư vấn trực tiếp. Đặc biệt, người dùng cũng tuyệt đối không nên truy cập hoặc cung cấp/nhập mật khẩu và mã bảo mật OTP vào các đường link lạ; không cung cấp thông tin e-Banking, thông tin thẻ ngân hàng cho bất kỳ ai, dù đối tượng có thể xưng là nhân viên ngân hàng, hay cán bộ công an/cơ quan điều tra.Về đầu trang

THÔNG TIN NỔI BẬT TRÊN BÁO HẢI DƯƠNG, ĐÀI PTTH TỈNH

1. Báo Hải Dương

*Nhiều bất cập khi tồn tại trại tạm giam giữa khu đô thị

Chiều 29.8, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương khảo sát tại Trại tạm giam Công an tỉnh về tình hình chấp hành pháp luật trong công tác giam giữ.

Đoàn đã khảo sát tại Trại tạm giam Công an tỉnh ở khu 11 phường Thanh Bình (TP Hải Dương) và phân trại ở khu dân cư Trụ Hạ, phường Đồng Lạc (TP Chí Linh).

Theo Trại tạm giam Công an tỉnh, hiện xung quanh khu vực trại ở phường Thanh Bình là khu đô thị, gây khó khăn trong việc bảo đảm an ninh, an toàn trại. Trong khi đó, số đối tượng giam giữ ở trại thường xuyên ở mức cao, trung bình trên 800 bị can, phạm nhân, có thời điểm lên đến gần 1.000 người (khả năng giam giữ của trại là 600 người). Hiện nay, diện tích chỗ nằm cho người bị tạm giữ, tạm giam ở nhiều khu không đáp ứng tiêu chuẩn 2 m2/người.

Đối tượng giam giữ tại trại phức tạp, số đối tượng phạm các tội về ma tuý chiếm tỷ lệ lớn, phần lớn nghiện ma tuý trước khi nhập trại. Nhiều đối tượng nhiễm HIV hoặc các bệnh lây nhiễm khác gây khó khăn trong công tác quản lý.

Tại buổi làm việc, Trại tạm giam Công an tỉnh đề nghị sớm được di chuyển vị trí đóng quân tại khu 11 phường Thanh Bình (TP Hải Dương) đến địa điểm khác vì cơ sở này đã cũ, xuống cấp.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Thị Việt Nga tiếp thu kiến nghị, đề xuất của Trại tạm giam Công an tỉnh.Về đầu trang

*Lợi ích bầu trưởng thôn, khu dân cư trong 1 ngày

Việc bầu cử trưởng thôn, khu dân cư đồng loạt trong 1 ngày nhằm tạo đợt sinh hoạt rộng khắp, phát huy hiệu quả tinh thần “dân cử” trong nhân dân.

Thời gian qua, nhiều địa phương đã tổ chức bầu trưởng thôn, khu dân cư (KDC) trong 1 ngày nhưng không ít nơi chưa làm được việc này.

4 địa phương bầu tập trung trong 1 ngày

Theo Quyết định 16/2013/QĐ-UBND ngày 7.8.2013 của UBND tỉnh về quy chế tổ chức và hoạt động của thôn, KDC thì nhiệm kỳ của trưởng thôn, KDC là 2,5 năm (30 tháng). Trong trường hợp đặc biệt có thể kéo dài hoặc rút ngắn thời gian nhưng không quá 6 tháng. Gần đây, nhiều địa phương đã điều chỉnh thời gian bầu cử trưởng thôn, KDC để tiến tới bầu đồng loạt 1 ngày nhằm tạo đợt sinh hoạt rộng khắp, phát huy hiệu quả tinh thần “dân cử” trong nhân dân.

Đến ngày 28.8, toàn tỉnh có 4 địa phương hoàn thành bầu cử trưởng thôn, KDC gồm các huyện Gia Lộc, Cẩm Giàng, Bình Giang và TP Chí Linh. Đây đều là những địa phương tổ chức bầu cử trưởng thôn, KDC đồng loạt trong 1 ngày. Ngày 18.9 tới, 83 thôn, KDC của huyện Thanh Miện cũng sẽ đồng loạt tổ chức bầu cử. Việc bầu cử tập trung 1 ngày của một số địa phương đã tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo trong toàn huyện, là một cuộc sinh hoạt dân chủ rộng khắp, cử tri được phát huy tốt nhất vai trò làm chủ lá phiếu. Sau bầu cử trưởng thôn, KDC cũng giúp các địa phương chủ động trong kế hoạch bầu Bí thư Chi bộ.

Ngày 12.6, 107 thôn, KDC của huyện Cẩm Giàng đã đồng loạt bầu cử trưởng thôn, KDC. Đây là nhiệm kỳ đầu tiên các địa phương trong huyện tổ chức bầu cử tập trung 1 ngày. Để có sự thống nhất này, trong những nhiệm kỳ trước, huyện đã chủ động điều chỉnh thời gian bầu cử của một số địa phương nhằm vừa bảo đảm thời gian theo quy định vừa thống nhất tập trung. Trước khi tổ chức bầu cử, huyện yêu cầu các địa phương rà soát lại nhiệm kỳ của từng thôn, KDC, số lượng trưởng thôn, KDC, số trưởng thôn, KDC là đảng viên, quần chúng... để xây dựng kế hoạch, hướng dẫn cụ thể. Qua rà soát, các thôn, KDC đều bảo đảm về thời gian để tiến hành bầu tập trung 1 ngày. Quy trình nhân sự bầu trưởng thôn, KDC cũng được huyện Cẩm Giàng gắn liền với quy trình nhân sự bầu chức danh Bí thư Chi bộ.

Ông Lê Xuân Dũng, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Cẩm Giàng cho biết việc bầu cử trưởng thôn, KDC trong huyện được tổ chức theo đúng quy định, bám sát Hướng dẫn số 04 của Ban Tổ chức Tỉnh ủy. Nhân sự được huyện chỉ đạo thực hiện nhất quán theo hướng giới thiệu để bầu giữ chức danh Bí thư Chi bộ thôn, KDC, sau đó giới thiệu ra hiệp thương để bầu cử trưởng thôn, KDC. Các địa phương bầu cử trưởng thôn, KDC xong mới tổ chức đại hội chi bộ. Việc tổ chức bầu cử trưởng thôn trước, đại hội chi bộ sau sẽ góp phần thực hiện hiệu quả mô hình “Dân tin - Đảng cử”, trong tương lai huyện cũng sẽ hướng tới bầu Bí thư Chi bộ tập trung 1 ngày.

7 địa phương bầu rải rác

Các địa phương không tổ chức bầu đồng loạt gồm các huyện Tứ Kỳ, Kim Thành, Ninh Giang, Nam Sách, Thanh Hà, thị xã Kinh Môn và TP Hải Dương. Ngày 8.5, 14 xã, thị trấn của huyện Ninh Giang đồng loạt tổ chức bầu cử trưởng thôn, KDC. Còn 4 xã An Đức, Đồng Tâm, Nghĩa An và Ứng Hòe tổ chức lần lượt vào các tháng 7, 8, 9 và 11. Trước đó, xã Hồng Đức đã bầu cử xong trong tháng 12.2021, xã Kiến Quốc bầu xong trong tháng 4.2022.

Tương tự, huyện Kim Thành có 91 thôn, KDC thuộc 18 xã, thị trấn. Việc triển khai bầu cử của các địa phương kéo dài từ tháng 7 đến tháng 9. Đến ngày 22.8, có 68 thôn của 14 xã hoàn thành bầu cử trưởng thôn, KDC. 23 thôn còn lại của 4 xã dự kiến sẽ tổ chức bầu vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9.

Đến thời điểm này, thị xã Kinh Môn đã có 91 thôn, KDC của 20 xã, phường hoàn thành bầu trưởng thôn, KDC; 2 phường Hiến Thành, Minh Tân dự kiến bầu vào cuối tháng 8. Riêng xã Thượng Quận có 2 thôn sáp nhập nên chờ nghị quyết của HĐND tỉnh, sau đó mới bầu cử. Việc bầu cử trưởng thôn, KDC của thị xã Kinh Môn không tập trung khiến cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của địa phương kéo dài, thiếu tập trung, ảnh hưởng tới các công việc khác. Theo ông Hà Đình Chiến, Trưởng Phòng Nội vụ thị xã Kinh Môn, việc chưa tổ chức bầu cử trưởng thôn, KDC tập trung được cùng 1 ngày do lịch sử để lại. Trước đây, các địa phương chưa hướng tới việc bầu tập trung nên có địa phương giữ nguyên thời gian bầu, có địa phương tổ chức bầu trước, có nơi lại lùi thời gian, lại có chỗ sáp nhập thôn, KDC nên phải chờ hướng dẫn...

Việc bầu trưởng thôn, KDC đồng loạt trong 1 ngày mang lại nhiều tác dụng thiết thực. Nhiệm kỳ bầu trưởng thôn, KDC lần sau, tỉnh cần chỉ đạo, các địa phương quan tâm tổ chức bầu đồng loạt trong 1 ngày.Về đầu trang

*Khai mạc Hội thao Trung đội dân quân cơ động

Sáng 29.8, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hải Dương khai mạc Hội thao Trung đội dân quân cơ động năm 2022.

Đồng chí Nguyễn Minh Hùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện một số sở, ban, ngành tỉnh và một số phòng, ban thuộc Quân khu 3 tới dự.

Hội thao Trung đội dân quân cơ động năm 2022 có sự tham gia của trên 300 cán bộ, chiến sĩ dân quân cơ động đến từ 12 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Đây là những cán bộ, chiến sĩ đạt thành tích cao tại hội thao cấp huyện, được lựa chọn vào đoàn tham gia thi cấp tỉnh.

Hội thao có 2 nội dung thi là tập thể và cá nhân. Nội dung tập thể (Trung đội dân quân cơ động) gồm thi duyệt đội ngũ, đồng diễn võ thể dục tay không. Trong nội dung cá nhân sẽ thi chiến thuật dân quân tự vệ, bắn súng tiểu liên AK bài 1 và 3 môn quân sự phối hợp.

Hội thao diễn ra trong 2 ngày 29 và 30.8 nhằm đánh giá kết quả xây dựng, huấn luyện, hoạt động của Trung đội dân quân cơ động các địa phương, góp phần nâng cao trình độ tổ chức, quản lý, chỉ huy, huấn luyện của trung đội trưởng, tiểu đội trưởng dân quân cơ động, rèn luyện khả năng chiến đấu, thể lực cho dân quân cơ động...Về đầu trang

*Doanh nghiệp vận tải đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của người dân dịp nghỉ lễ Quốc khánh

Qua khảo sát của phóng viên tại một số doanh nghiệp vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh, đại diện các đơn vị khẳng định đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của người dân dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2.9.

Hiện đa số các đơn vị kinh doanh vận tải đều chưa khai thác hết công suất đang có. Một số công ty có kế hoạch tăng lượt chạy để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân dịp 2.9, một số công ty vẫn chưa lên phương án mà căn cứ vào tình hình thực tế về nhu cầu đi lại của người dân.

Công ty TNHH Huy Hoàng (TP Hải Dương) hiện chỉ chạy 60% số xe đang có. Công ty dự kiến tăng thêm tổng số 10 lượt chạy. Trong đó tuyến xe Hải Dương đi Ninh Giang và ngược lại tăng 6 lượt, tuyến Hải Dương đi Thái Bình và ngược lại tăng 4 lượt. Dự kiến thời gian tăng lượt xe chạy từ ngày 31.8. Trung bình từ 15-20 phút sẽ có một chuyến xe chạy. Giá vé toàn tuyến vẫn ổn định ở mức 35.000 đồng/lượt, giá vé chặng là 25.000 đồng/lượt.

Đại diện Công ty TNHH Triệu Phố cho biết hiện tại chỉ có khoảng 50% số xe của nhà xe hoạt động. Nhu cầu đi lại của người dân ở thời điểm này chưa cao, nhất là các tuyến khách liên tỉnh. Nhà xe sẽ căn cứ vào tình hình thực tế để có phương án điều chỉnh trong thời gian tới. Nếu nhu cầu đi lại của người dân lớn, nhà xe sẽ bố trí tăng cường thêm xe cho các tuyến nội tỉnh và liên tỉnh. Giá vé toàn tuyến từ Ninh Giang đi Hải Dương và ngược lại ổn định ở mức 40.000 đồng/lượt; giá vé chặng dao động từ 20.000 -28.000 đồng/lượt; giá vé nội thành là 6.000 đồng/lượt.

Hiện số lượng xe của Xí nghiệp Thương mại - Du lịch và xây dựng 27-7 đang chạy chỉ đạt hơn 60%. Lượng khách vào những ngày thường đạt từ 30-40% số ghế, vào dịp cuối tuần tăng hơn nhưng cũng chỉ đạt 50% số ghế. Vì vậy, nếu lượng khách vào dịp lễ đông hơn thì đơn vị vẫn đáp ứng đủ nhu cầu mà không cần tăng lượt chạy hay bố trí xe tăng cường.Về đầu trang

*Khẩn trương khôi phục sản xuất rau màu sau mưa bão

Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng yêu cầu ngành nông nghiệp khẩn trương hướng dẫn nông dân khôi phục sản xuất sau mưa bão; sẵn sàng các phương án để đối phó với các diễn biến bất thường của thời tiết.

Chiều 29.8, đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các thành viên trong Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT - TKCN) tỉnh kiểm tra trạm bơm và tình hình khôi phục sản xuất sau mưa úng tại một số vùng sản xuất rau màu trên địa bàn 2 huyện Gia Lộc và Tứ Kỳ.

Sau khi kiểm tra tình hình thực tế tại vùng sản xuất rau màu tập trung và trạm bơm của xã Hoàng Diệu (Gia Lộc), trạm bơm Đò Neo (Tứ Kỳ), Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng ghi nhận những cố gắng và nỗ lực của Ban Chỉ huy PCTT – TKCN các cấp, chính quyền địa phương và người dân đã chủ động các phương án, kịp thời ứng phó khi mưa lớn xảy ra. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ những khó khăn với nông dân khi liên tiếp phải ứng phó với 2 đợt ngập úng gây thiệt hại về sản xuất nông nghiệp do ảnh hưởng của bão số 2 và số 3, đặc biệt là đợt mưa lớn do bão số 3 gây ra.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng yêu cầu cơ quan chuyên môn, đặc biệt là ngành nông nghiệp phải tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể cho bà con nông dân cách chăm sóc, khắc phục rau màu sau mưa bão. Chú trọng việc hướng dẫn người dân vệ sinh đồng ruộng, dặm tỉa những diện tích cây trồng bị chết, bảo đảm mật độ cây trồng phù hợp, thực hiện các biện pháp chăm sóc kịp thời theo quy trình kỹ thuật phù hợp với từng loại cây trồng. Đối với các diện tích rau màu bị thiệt hại hoàn toàn, ngành chức năng cần đôn đốc, hướng dẫn bà con nông dân khẩn trương gieo trồng lại để bảo đảm thời vụ và nguồn cung cho thị trường, không để xảy ra tình trạng khan hiếm rau, bị đội giá. Chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp cần phối hợp để thống kê những diện tích bị thiệt hại nặng để có phương án hỗ trợ nông dân trong sản xuất.

Đồng chí Triệu Thế Hùng nhấn mạnh, theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, tình hình thời tiết từ nay tới cuối năm tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Các đợt thiên tai, bão lũ hoặc rét đậm, rét hại có khả năng đe dọa tới sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Do vậy, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư nâng cấp các trạm bơm, đặc biệt là các trạm đã xuống cấp để đáp ứng yêu cầu sản xuất. Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các địa phương cần chủ động xây dựng các kịch bản phòng chống thiên tai phù hợp với điều kiện và tình hình sản xuất của từng vùng, từng địa phương.

Trước đó, do ảnh hưởng của bão số 3, mưa lớn đã làm hơn 5.000 ha lúa, rau màu, cây ăn quả và khu nuôi thủy sản của người dân bị ngập. Mặc dù công tác tiêu úng được thực hiện kịp thời nhưng vẫn có hơn 1.000 ha cây trồng và thủy sản bị thiệt hại nặng, hơn 7.000 con gia cầm bị chết và một số công trình đê điều, thủy lợi bị hư hỏng.Về đầu trang

2. Đài PTTH tỉnh

*Chỉ thị của UBND tỉnh về nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023

Để thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và các Bộ, ngành Trung ương về giáo dục và đào tạo; cùng với thực hiện chủ đề năm học "Đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới sáng tạo, củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo”; căn cứ tình hình thực tiễn của tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnhyêu cầu ngành Giáo dục và Đào tạo, các sở, ngành, đoàn thể liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện các nội dung sau:

1- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo

Đổi mới quản trị nhà trường theo hướng tinh gọn, hiện đại, minh bạch; tăng cường thực hiện dân chủ cơ sở, phát huy vai trò và tiếng nói của đội ngũ nhà giáo trong các nhà trường.


2- Chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh
Tổ chức thực hiện nhiệm vụ năm học 2022 - 2023 chủ động, thích ứng linh hoạt với thiên tai, dịch bệnh, tổ chức dạy và học vừa đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên, vừa củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục. Tăng cường tổ chức bữa ăn bảm đảm dinh dưỡng hợp lý và an toàn thực phẩm, kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho học sinh

3- Tăng cường công tác chính trị đối với nhà giáo và học sinh: Tăng cường công tác chính trị, tư tưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động để tạo sự đoàn kết, thống nhất trong toàn ngành; xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ giáo dục các cấp gương mẫu, là tấm gương cho học sinh noi theo. Tiếp tục triển khai hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp cho học sinh thông qua các hoạt động giáo dục và trải nghiệm; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các cơ sở giáo dục

4- Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đạt chuẩn về trình độ đào tạo, có phẩm chất đạo đức tốt, có chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng. Chủ động rà soát, bố trí, sắp xếp trường, lớp, giáo viên, nhân viên phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và biên chế được giao theo quy định. Thực hiện kịp thời và đầy đủ các chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục và Đào tạo.

5- Thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục

Tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo; Triển khai hiệu quả Đề án “Xóa phòng học tạm, phòng học mượn và bổ sung phòng học thiếu tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2025”.

6- Thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên

Chủ động xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch năm học linh hoạt, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ em. Phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh, quan tâm hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non ở các địa phương có khu công nghiệp, cụm công nghiệp Tiếp tục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông bảo đảm chất lượng và hiệu quả; Xây dựng kế hoạch về giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông theo hướng mở. Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được học tập liên tục, suốt đời. Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh ở các cấp học. Phát triển các phương thức giáo dục hòa nhập để đáp ứng quyền được học tập của người học là người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

7- Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính
Tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục và đào tạo; tăng cường các điều kiện đảm bảo về hạ tầng kỹ thuật và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy - học trực tuyến và trong công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục

8- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo nhằm xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi sai phạm trong giáo dục và đào tạo. Chú trọng các nội dung thanh tra, kiểm tra về: trách nhiệm và quyền hạn của Hội đồng trường; hoạt động dạy thêm, học thêm; công tác quản lý tài chính, tài sản, sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tại các cơ sở giáo dục.

9. Đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua trong toàn ngành

Tổ chức các phong trào thi đua thiết thực chào mừng kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà Giáo Việt Nam 20 tháng 11. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”, “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ chí Minh” bảo đảm thiết thực, hiệu quả

10- Tăng cường công tác truyền thông giáo dục
Đa dạng hoá phương thức truyền thông để nâng cao hiệu quả tuyên truyền; tăng cường phối hợp, xử lý hiệu quả các vấn đề về truyền thông, nhất là các vấn đề xã hội quan tâm để xã hội, nhân dân hiểu, chia sẻ, ủng hộ và đóng góp nhiều hơn cho ngành Giáo dục và Đào tạo.

* Về tổ chức thực hiện:

1. Các sở, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và Đào tạo tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các chủ trương, chính sách, kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo; kịp thời phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về công tác tổ chức cán bộ, đầu tư công, chính sách tài chính,...

2. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai, tổ chức thực hiện các mục tiêu về giáo dục và đào tạo của địa phương; phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện để Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ sở giáo dục hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2022 - 2023.

3. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị ngành Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm quán triệt văn bản này tới toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên của cơ quan, đơn vị; căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và tình hình thực tiễn của cơ quan, đơn vị, chủ động xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể; đề xuất các giải pháp chỉ đạo, kịp thời giải quyết những vấn đề vướng mắc, nảy sinh trong quá trình thực hiện.Về đầu trang

*Tăng cường kiểm tra, xử lý xe ô tô đừng, đỗ không đúng quy định trên Quốc lộ 5, Quốc lộ 37

Ngày 29/8, Ban ATGT tỉnh ban hành kế hoạch số 118 nhằm tăng cường kiểm tra, xử lý xe ô tô đừng, đỗ không đúng quy định trên Quốc lộ 5, Quốc lộ 37 thuộc địa bàn tỉnh Hải Dương nhằm đảm bảo an toàn giao thông trong dịp Quốc khánh 2/9 và đầu năm học mới.

Thời gian triển khai thực hiện từ ngày 7 đến ngày 16/9 với các thành phần đoàn kiểm tra liên ngành gồm Trưởng đoàn là Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh, các thành viên là đại diện của các đơn vị: Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh, Thanh tra Sở Giao thông vận tải, Phòng Cảnh sát giao thông và Phòng Cánh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an tỉnh. Đoàn sẽ tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm trên QL.5, QL.37 thuộc địa bản tỉnh Hải Dương đối với xe ô tô dừng, đỗ sai quy định, đi ngược chiều đường, bao gồm cả đường gom đọc tuyến QL.5, QL.37; khu vực giao nhau với QL.5, QL.37; khu vực gầm cầu vượt; điểm dừng của xe buýt, khu vực có biển cấm dừng, cấm đỗ xe; đỗ, dừng xe hàng đôi, hàng ba... và một số tụ điểm mất an toàn giao thông.

Đoàn liên ngành sẽ tuần tra lưu động trên tuyến QL.5, QL.37 thuộc địa bàn tỉnh Hải Dương; Tiến hành làm việc, xác định vi phạm đối với lái xe và lập biên bản vỉ phạm hành chính theo quy định; : Trường hợp lái xe không có mặt tại nơi đỗ phương tiện, dùng loa, điện thoại yêu cầu lái xe có mặt đề làm việc. Trường hợp lái xe không ra làm việc thì thông báo cho chủ phương tiện yêu câu lái xe có mặt đề làm việc;Khi lái xe (chủ xe) không hợp tác, không ra làm việc với Đoàn kiểm tra, Đoàn có trách nhiệm ghi hình và lập biên bản hiện trường để làm căn cứ mời lái xe (chủ xe) lên xác minh và xử lý vi phạm theo trình tự xử phạt “nguội”./.Về đầu trang

*Không chạy theo tiến độ giải ngân gói hỗ trợ 2% lãi suất

Nghị định 31 về hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước đối với các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đã được Chính phủ ban hành từ tháng 5 năm nay.

Sau 3 tháng triển khai mới có gần 550 khách hàng được hỗ trợ lãi suất theo chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước, với dư nợ khoảng 4.300 tỷ đồng.

Một trong những nguyên nhân giải ngân gói hỗ trợ này chậm là do điều kiện để khách hàng được thụ hưởng chương trình hỗ trợ lãi suất của Chính phủ là có khả năng phục hồi. Nhưng lại không hướng dẫn đánh giá cụ thể điều kiện khả năng phục hồi như thế nào, dẫn đến việc mỗi ngân hàng áp dụng một hệ điều kiện khác nhau.

Cùng với đó điều kiện đối với các hộ kinh doanh là phải có giấy đăng ký kinh doanh thì mới được vay vốn. Trước thực trạng này, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành liên quan nhằm tháo gỡ kịp thời. Quan điểm là ưu tiên chất lượng tín dụng, hỗ trợ đúng và trúng đối tượng, chứ không chạy theo tiến độ giải ngân gói hỗ trợ 2% lãi suất này...Về đầu trang

*Nâng cao chất lượng Tổ tiết kiệm & vay vốn

Với chức năng là “Cánh tay nối dài” giúp hệ thống ngân hàng chính sách xã hội quản lý, triển khai các chương trình tín dụng chính sách ưu đãi trên địa bàn tỉnh đến đúng đối tượng thụ hưởng; hoạt động của Tổ Tiết kiệm & Vay vốn luôn được Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng.

Trong nhiệm vụ ủy thác với Ngân hàng CSXH, các Tổ Tiết kiện & Vay vốn ở địa phương đều xây dựng, thực hiện nghiêm các quy ước hoạt động như: phổ biến những quy định mới về tín dụng chính sách; tổ chức họp bình xét cho vay công khai dân chủ, đúng đối tượng; duy trì thường xuyên công tác kiểm tra, giám sát sau khi giải ngân và hướng dẫn khách hàng vay vốn sử dụng vốn vay hiệu quả. Hàng năm các thành viên của Tổ đều được kiện toàn củng cố, đào tạo, tập huấn kỹ năng nghiệp vụ, nên các tổ đều hoạt động có nề nếp và hiệu quả. Qua đánh giá, xếp loại mới đây nhất năm 2022 số Tổ Tiết kiệm & Vay vốn trên địa bàn tỉnh xếp loại tốt chiếm đến hơn 97%, không phát sinh Tổ yếu kém.

Được biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 2.928 tổ Tiết kiệm & Vay vốn thuộc 4 tổ chức chính trị, xã hội gồm: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn thanh niên hoạt động ở tất cả các thôn, khu dân cư, với 81.725 hộ thành viên còn dư nợ.Về đầu trang

Nơi nhận:

- Thường trực Tỉnh ủy;

- Ban Thường vụ Tỉnh ủy;

- Lãnh đạo Sở TTTT.

.....................

Thực hiện: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hải Dương

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ QUẢNG NGHIỆP - HUYỆN TỨ KỲ

Trưởng Ban Biên tập: Ông Vũ Chí Mạnh - Chủ tịch UBND xã

Địa chỉ: xã Quảng Nghiệp, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương

Điện thoại: 0979872067

Email: vuchimanh@haiduong.gov.vn

Số lượt truy cập
Đang truy cập: 0
Hôm nay: 6
Tháng này: 6,432
Tất cả: 125,943